Tiếp sức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng biên giới

12/09/2014
(VBSP News) Từ đầu năm 2014 đến nay, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã cho 2.872 lượt hộ nghèo và 2.093 lượt hộ cận nghèo vay với tổng số tiền 62,5 tỷ đồng. Nhờ đó mà nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn đã có cơ hội thụ hưởng nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định.
NHCSXH huyện Chi Lăng giao dịch với khách hàng

NHCSXH huyện Chi Lăng giao dịch với khách hàng

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua, NHCSXH các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Cụ thể, đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại 225 Điểm giao dịch tại xã, phường và củng cố hoạt động cho 2.753 Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó, NHCSXH tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, qua đó đánh giá chất lượng hoạt động của các đơn vị cơ sở, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại sai sót, đưa hoạt động của ngân hàng từ tỉnh đến cơ sở đạt kết quả. Đồng thời phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Lạng Sơn, Trần Việt Sơn cho biết: Thời gian qua đã có khá nhiều hộ nghèo vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, thoát dần cảnh nghèo, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, điều quan trọng hàng đầu là NHCSXH tiến hành định hướng cho người dân sau khi vay vốn cần triển khai đầu tư các mô hình phù hợp với thực tiễn của địa phương, để sản xuất có lãi, theo hướng lâu dài.

Trường hợp của gia đình chị Vũ Thị Lâm ở thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng là một ví dụ điển hình. Trước khi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, hoàn cảnh kinh tế gia đình chị rất khó khăn, làm không đủ ăn. Đến năm 2008, qua sinh hoạt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý, chị Lâm đã được vay vốn ưu đãi và được hướng dẫn để phát triển cây na dai trên vùng núi đá. Trao đổi với chúng tôi, chị Lâm cho biết: Vào thời điểm mấy năm trước đây trong thôn đã có nhiều hộ gia đình phát triển nghề trồng na nhưng do gia đình tôi không có vốn nên đành phải để đất trống, đồi hoang và vườn tạp, hàng năm thu hái chẳng đâu vào đâu.  Mãi đến năm 2008, nhờ sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ, tôi đã được vay 30 triệu đồng của NHCSXH. Đây là số tiền khởi nghiệp vô cùng quý giá đối với những hộ nghèo như chúng tôi.


Chị Vũ Thị Lâm vui mừng vì năm nay na của gia đình được mùa

Chị Vũ Thị Lâm vui mừng vì năm nay na của gia đình được mùa

Sau gần 6 năm phát triển cây ăn quả, đến nay vườn na 600 cây và gần 1ha ổi của gia đình chị Lâm đã cho thu hoạch rộ, ước tính tổng doanh thu năm nay khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng gần 100 triệu đồng.

Chị Lâm cho biết, nguyện vọng của gia đình muốn được vay thêm nguồn vốn ưu đãi theo quyết định mới về nâng mức vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để đầu tư mở rộng vườn na, xây chuồng trại chăn nuôi lợn nái theo mô hình trang trại kinh tế tổng hợp. “Ở thôn chúng tôi đã có rất nhiều hộ gia đình vay vốn để phát triển cây na và các cây ăn quả đặc sản khác. Thủ tục vay vốn rất nhanh chóng, thuận tiện. Cán bộ ngân hàng cũng tư vấn thêm cho chúng tôi những mô hình hay để phát triển kinh tế. Hy vọng với sự giúp đỡ, đồng hành của NHCSXH bà con dân nghèo sẽ có cách làm ăn hiệu quả hơn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng lao động, đất đai trên quê hương”, chị Lâm vui vẻ chia sẻ. 

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác