Hà Giang: Trăn trở tín dụng giảm nghèo
Dân không có nhu cầu vay thêm
Theo chân Giám đốc NHCSXH huyện Quản Bạ Lê Tuấn Quang, chúng tôi xuống thăm một số hộ dân của xã Thanh Vân. Tại gia đình ông Thào Hùng Quý ở thôn Lùng Cáng - một ngôi nhà khá khang trang mà ông Quý cho biết ông sửa mất 54 triệu đồng bằng tiền bán bò cách đây mấy năm. Ông Quý nhớ lại, ông vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi của Nhà nước cách đây hơn 4 năm, mua được 2 con bò, 1 con bán được 18 triệu đồng, con còn lại đẻ được 3 con, sau này bán 2 con được trên 30 triệu đồng. Cùng với nuôi bò, gia đình còn nuôi lợn, không những đảm bảo được sinh hoạt trong gia đình mà hàng tháng còn chu cấp 3 triệu đồng cho con học ngoài Hà Nội. “Trước đây nhà mình nghèo lắm, chẳng có gì đâu. Nhờ có nuôi bò mới được thế này đấy!”, ông Quý hào hứng. Giờ đây gia đình ông Quý còn 2 con bò, hàng tháng ông vẫn đều đặn trả cho ngân hàng số tiền lãi 195 nghìn đồng. Khi được hỏi ông có nhu cầu vay nữa không, ông hồn nhiên đáp: “Còn 2 con bò, bán 1 con đủ trả tiền ngân hàng, mình không vay nữa đâu!”.
Cũng như ông Quý, ông Giàng Thìn Cò vay 20 triệu đồng từ năm 2010, mua được 1 con bò đẻ được 2 lứa, bán 1 con và đã trả hết nợ ngân hàng. Ông Cò cũng không có nhu cầu vay nữa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Vân Thào Vần Chính cho biết, toàn xã có 956 hội viên, trong đó có 70% hội viên đã, đang vay vốn của NHCSXH với dư nợ 2,8 tỷ đồng. Bản thân ông Chính cũng đã từng vay tiền của NHCSXH cách đây 6 - 7 năm và đã trả hết nợ, còn lãi 2 con bò sinh sản. Nhờ có tiền bán bò, gia đình ông cũng đã dựng được nhà mới, mua sắm ti vi, xe máy… Khi được hỏi có vay thêm để nuôi thêm bò không, ông Chính cười trừ: “Thôi, để nhường cho người khác vay…”.
Theo Giám đốc Lê Tuấn Quang, bà con dân tộc ở đây rất thật, nhiều hộ không biết vay vốn để làm gì và câu chuyện “vay tiền giắt ở mái nhà” đến hẹn đem trả không phải chuyện “nói cho vui”. Cái khó của cán bộ NHCSXH ở đây là cùng với chính quyền “cầm tay chỉ việc” định hướng cho bà con nuôi con gì, trồng cây gì, thậm chí còn phải động viên, thuyết phục họ mạnh dạn vay tiền ngân hàng để tự mình thoát nghèo…
Bài toàn thoát nghèo bền vững
Là một trong 6 huyện nghèo thuộc diện 30a, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của Quản Bạ là 30%, hộ cận nghèo là 17%. Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Bạ Dương Hạng Thành, đây chỉ con số tương đối bởi chỉ cần một trận lũ quét hay mưa đá thì hộ cận nghèo có thể thành hộ nghèo ngay…
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang Phạm Văn Quyết cũng tỏ ra trăn trở với bài toán thoát nghèo của Hà Giang. “Việc thoát nghèo ở đồng bào dân tộc vùng cao vẫn còn bấp bênh, thoát nghèo trong thời hạn ngắn, nếu không hỗ trợ tiếp tục thì tái nghèo rất cao…”, Phó Giám đốc Phạm Văn Quyết lo lắng. Cũng theo con số do ông Quyết cung cấp, số liệu rà soát hộ nghèo năm 2013 chuyển sang năm 2014 của Hà Giang đã giảm từ 48 nghìn hộ xuống dưới 40 nghìn hộ, tuy nhiên đã có trên 2 nghìn hộ tái nghèo, nên số hộ nghèo của Hà Giang hiện còn khoảng 43 nghìn hộ…
Báo cáo của NHCSXH tỉnh Hà Giang, số khách hàng vay vốn của NHCSXH cũng giảm dần tuy doanh số có tăng lên: Nếu như năm 2011 có 39.691 khách hàng vay vốn với doanh số 247,177 tỷ đồng thì con số này năm 2012 là 23.105 khách hàng và 399,207 tỷ đồng, năm 2013 là 16.992 khách hàng và 363,156 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm có 10.888 khách hàng vay vốn với doanh số 252,035 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số khách hàng vay vốn của ngân hàng thì đối tượng hộ nghèo vay vốn đang có xu hướng giảm dần: Năm 2011 là 28.448 khách hàng, năm 2012 là 10.242 khách hàng, năm 2013 là 7.782 khách hàng và 7 tháng qua là 4.368 khách hàng. Nếu so với con số hộ nghèo của Hà Giang thì con số này còn quá khiêm tốn!
“Thời gian qua, NHCSXH rất tích cực trong việc giải ngân. Tuy nhiên, đây là vấn đề nan giải đòi hỏi có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Không phải ai cũng có năng lực để làm mô hình lớn. Nuôi 1 đến 2 con là một chuyện, nhưng nuôi 10 đến 20 con lại là chuyện khác bởi người dân viết tên mình còn khó khăn thì liệu có đủ năng lực để quản lý cả một đàn bò?”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Bạ Dương Hạng Thành trăn trở.
Phó Chủ tịch huyện Dương Hạng Thành cũng cho biết, theo Nghị quyết của tỉnh, mục tiêu là tất cả các hộ có khả năng phải có trâu, bò, ít nhất mỗi hộ phải có 2 con. “Chúng tôi đã rà soát toàn huyện có 118 hộ không có trâu, bò hiện có khả năng nuôi mà không nuôi. Kế hoạch trong năm nay sẽ phải vận động hết các hộ này…”, Phó Chủ tịch huyện quả quyết.
Bài và ảnh Thanh Lan
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phát huy hiệu quả vốn vay
- » Tỉnh Gia Lai với nguồn vốn cho vay HSSV
- » Góp sức tạo đà chuyển động ở một tỉnh đặc biệt khó khăn
- » Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thi “Tổ giao dịch lưu động giỏi” năm 2014
- » “NHCSXH là người bạn đã giúp thay đổi cuộc đời tôi”
- » Phụ nữ vùng cao Văn Chấn vay vốn chính sách phát triển kinh tế
- » Niềm vui mới của hộ dân tộc thiểu số nơi vùng biên Cao Lộc
- » Đoàn kiểm tra, giám sát của HĐQT NHCSXH làm việc tại tỉnh Bình Phước
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Đoàn Thanh niên huyện Tân Kỳ với quản lý vốn chính sách uỷ thác