Niềm vui mới của hộ dân tộc thiểu số nơi vùng biên Cao Lộc

05/09/2014
(VBSP News) Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã Thạch Đạn, huyện biên giới Cao Lộc (Lạng Sơn) đã phát huy hiệu quả vốn vay, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà con các dân tộc phấn khởi làm thủ tục vay vốn theo quy định mới về nâng mức cho vay

Bà con các dân tộc phấn khởi làm thủ tục vay vốn theo quy định mới về nâng mức cho vay

Ông Đồng Khánh Sáu - Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn cho biết: là một trong 23 xã, thị trấn của huyện biên giới Cao Lộc, thuộc vùng khó khăn, ruộng đất nông nghiệp ít, Thạch Đạn vào thời điểm năm 2010 còn đến 38,7% hộ nghèo, 38,4% hộ cận nghèo, nhất là có khá nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nằm trong diện được vay vốn ưu đãi theo các Quyết định mới của Chính phủ. Do đặc điểm trên, thời gian qua, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng theo ông Sáu, tại xã Thạch Đạn, Chủ tịch UBND xã được phân công trực tiếp kiêm nhiệm Trưởng ban giảm nghèo; đồng thời đã ưu tiên địa điểm thuận lợi để NHCSXH đặt Điểm giao dịch cố định, thực hiện việc họp giao ban, giải ngân, thu nợ, nộp lãi… với hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tín dụng chính sách nơi vùng cao biên giới này đã có bước chuyển biến tích cực trong việc hướng dẫn cụ thể bà con cách thức làm ăn, đồng thời thường xuyên kiểm tra giám sát, đôn đốc tổ viên ở các Tổ TK&VV sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn theo cam kết; hướng dẫn người dân kết hợp nguồn vốn vay không tính lãi hỗ trợ hộ gia đình đặc biệt khó khăn với các chương trình tín dụng ưu đãi khác như chương trình cho vay hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, vốn xây dựng công trình NS&VSMTNT… tạo thành số vốn đủ lớn để đầu tư sản xuất. Đến nay việc sử dụng  kết hợp các nguồn vốn đã mang lại kết quả. Nhiều hộ gia đình tận dụng tốt vốn vay đầu tư chăn nuôi, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chị Đinh Thị Thủa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Đạn chia sẻ: Hội Phụ nữ xã làm nhiệm vụ uỷ thác vay vốn ưu đãi của NHCSXH từ năm 2004, đến nay tổng dư nợ 4,5 tỷ đồng, chiếm 69,8% tổng dư nợ toàn xã. Thời gian qua, Hội PN không chỉ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền hướng dẫn hội viên lồng ghép các chương trình vay vốn ưu đãi vào sản xuất, giảm nghèo, gần đây còn tích cực tham gia tập huấn, thực hiện bình xét, sử dụng vốn chính sách theo Quyết định mới về nâng mức cho vay tối đa lên 50 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và giảm lãi suất một số chương trình tín dụng.

Vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình Nông Thị Giang ở thôn Khuôn Cuổng, xã Thạch Đạn phát triển kinh tế vườn đồi

Vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình Nông Thị Giang ở thôn Khuôn Cuổng, xã Thạch Đạn phát triển kinh tế vườn đồi

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng, nuôi bò của gia đình chị Nông Thị Giang ở thôn Khuôn Cuổng, xã Thạch Đạn khi chị đang tỉa cành, tạo tán cho những cây thông. Quan sát vườn rừng được đầu tư bài bản, ai cũng tin rằng gia đình chị đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Chị Giang vui vẻ nói: Trước đây, kinh tế nhà tôi gặp khó khăn lắm, đời sống chỉ trông vào vài trăm mét vuông ruộng. Ngay từ những ngày đầu có chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi, gia đình tôi đã mạnh dạn vay của NHCSXH, từ nguồn vay hộ nghèo lãi suất thấp, đến số tiền 5 triệu đồng không tính lãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Tháng 6 vừa rồi, gia đình tôi sau khi trả xong nợ cũ, còn được địa phương và ngân hàng giúp đỡ cho vay 50 triệu đồng theo quy định mới nâng mức vay hộ nghèo. Vậy là người dân tộc nghèo chúng tôi có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vườn đồi.

Còn chị Đinh Thị Thiệp ở bản Roọc, xã Thạch Đạn cho biết: Được vay vốn ưu đãi hộ nghèo 50 triệu đồng, gia đình tôi mừng khôn xiết vì có thêm vốn chủ động trồng rừng, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Người dân vùng cao biên giới rất biết ơn Đảng, Chính phủ và NHCSXH.

Trao đổi về hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách, bà Đinh Thị Lạng - Giám đốc NHCSXH huyện Cao Lộc cho biết: Tính đến 30/8/2014, tổng dư nợ đạt 149,3 tỷ đồng. Đặc biệt trong 3 tháng gần đây, NHCSXH huyện đã thực hiện nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại tất cả 23 xã, thị trấn trên địa bàn với gần 1.000 hộ, trong đó xã Thạch Đạn có 37 hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách mới này. Việc cho vay vốn ưu đãi ở Cao Lộc được thực hiện công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể nhằm mục đích phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Bài và ảnh Minh Uyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác