Đồng vốn sinh lời

05/09/2014
(VBSP News) Là hộ nghèo của địa phương, chồng mất sớm, chị Nguyễn Thị Châm ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) tần tảo nuôi 2 con ăn học. Trong câu chuyện của mình, chị Châm nhắc nhiều đến sự giúp đỡ về vốn của Nhà nước.
Cơ sở may gia công của gia đình bà Đào Thị Liên phát triển từ nguồn vốn vay

Cơ sở may gia công của gia đình bà Đào Thị Liên phát triển từ nguồn vốn vay

Kinh tế gia đình chị Châm gặp khó khăn khi người chồng là trụ cột chính lâm bệnh nặng rồi qua đời năm 2002. Chị phải đôn đáo chạy vạy nuôi 2 con ăn học, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Những lúc nông nhàn chị làm đủ nghề như nhặt phế liệu, nấu rượu, phu hồ để tăng thêm thu nhập. Năm 2011, được vay 28 triệu đồng vốn ưu đãi, chị quyết định xây chuồng nuôi lợn nái và lợn thịt. Con lợn mẹ tối thiểu mỗi năm sinh sản khoảng 20 con lợn con, chị cho xuất bán một nửa, số còn lại nuôi lợn thương phẩm. Ngoài chăn nuôi, chị duy trì nấu rượu cộng với làm 6 sào ruộng nên kinh tế gia đình cũng phần nào giảm bớt khó khăn.

Hiện nay, ngoài 28 triệu đồng vay vốn hộ nghèo, chị Châm còn được vay 39 triệu đồng vốn HSSV cho cậu con trai đang theo học đại học năm thứ 4. Chị Châm cởi mở: “Nhờ nguồn vốn vay của Nhà nước được NHCSXH thực hiện, dù món vay chưa cao nhưng là tiền đề để tôi tiếp tục gây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt”.

Còn ở thôn Hiệp Sơn, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, năm 2013, bà Đào Thị Liên cũng được vay 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo. Từ vốn vay, cùng với nguồn vốn huy động từ anh chị em, gia đình, bà đầu tư hơn 100 triệu đồng mua 5 máy may, may gia công các sản phẩm quần áo cho một đơn vị ở thị xã Từ Sơn. Hiện cơ sở may có 5 lao động, bình quân mỗi ngày cho thu nhập hơn 100 nghìn đồng/người.

Bà Liên tâm sự: “Được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tôi đã vượt lên sự tự ti, mặc cảm và cả những khó khăn để từng bước vươn lên, cải thiện đời sống”. Bà Liên mong muốn phát triển cơ sở may để tạo công ăn việc làm cho các cháu và tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong thời buổi kinh tế thị trường, giá cả lên xuống bấp bênh thì số vốn 30 triệu đồng/hộ vẫn còn hạn hẹp. Song với chu kỳ dài (thời hạn 5 năm) lãi suất ưu đãi, ổn định (hiện tại 0,6% tháng/đối với hộ nghèo) thì người dân có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, quay vòng vốn tạo ra sản phẩm nhất định.

Hành trình đưa đồng vốn ưu đãi đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong nhiều năm qua thực sự hiệu quả. Dù đồng vốn được sử dụng vào việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở mang ngành nghề phụ hay tạo điều kiện cho HSSV nghèo học tập, lao động xuất khẩu cũng như xây dựng nhà thì đều hướng đến mục đích chung đó là tạo dựng cuộc sống đủ đầy hạnh phúc.

Hiện nay, huyện Gia Bình có tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi hơn 237 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo gần 75 tỷ đồng với hơn 3.000 khách hàng còn dư nợ. Riêng 6 tháng đầu năm nay có 162 lượt khách hàng được vay mới chương trình hộ nghèo với doanh số gần 5 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay 30,8 triệu đồng. So sánh tỷ lệ cho vay và doanh số thu nợ thì chương trình cho vay hộ nghèo được đánh giá hiệu quả nhất trong 8 chương trình tín dụng ưu đãi.

6 tháng đầu năm 2014, doanh số thu nợ chương trình hộ nghèo đạt gần 8 tỷ đồng với 366 lượt khách hàng hoàn tất nợ. Nhìn vào con số cụ thể, có thể thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Gia Bình đang giảm, nguồn vốn ưu đãi sử dụng hiệu quả, đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển kinh tế của địa phương.

Theo Báo Bắc Ninh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác