Người nghèo được tiếp sức để làm giàu

04/09/2014
(VBSP News) Đồng vốn chính sách của Chính phủ đã đến tận tay người nghèo và thực sự phát huy hiệu quả, tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai đã xuất hiện những vướng mắc như mức cho vay thấp, không còn phù hợp với tình hình giá cả hiện nay. Từ thực tế này, ngày 01/5/2014, NHCSXH đã quyết định nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Chị Nguyễn Thị Mơ phấn khởi khoe cặp trâu của gia đình có được từ vốn ưu đãi

Chị Nguyễn Thị Mơ phấn khởi khoe cặp trâu của gia đình có được từ vốn ưu đãi

Năm 2012, gia đình chị Nguyễn Thị Hiển và anh Trần Văn Dũng ở thôn 7 Đầm Thơm, xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) kết hôn và ra ở riêng, anh thì làm nghề sửa chữa xe máy, còn chị ở nhà nội trợ, do lượng xe máy trên địa bàn ít cộng với có nhiều quán cùng làm nghề nên hàng tháng thu nhập của vợ chồng anh chị chỉ khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng (chi phí cho 3 nhân khẩu) do vậy gia đình được xếp vào diện hộ cận nghèo. Khi ra ở riêng anh chị được bố mẹ hai bên cho khoảng 3ha đất rừng làm của hồi môn, do không có tiền đầu tư nên diện tích đất đó hơn năm nay vẫn để cho cỏ mọc.

Năm 2013, khi Nhà nước có chính sách cho vay hộ cận nghèo và được NHCSXH cho vay tối đa tới 50 triệu đồng. Từ đồng vốn này, gia đình anh Dũng đã mua cây giống, thuê người làm cỏ, cuốc hồ trồng trên 4.000 cây keo và gần 100 gốc bưởi Đại Minh. Dẫn chúng tôi đi thăm khu đồi mới được gieo trồng, chị Nguyễn Thị Hiền, tâm sự: “Diện tích 3ha cây keo này khoảng vài năm nữa chúng tôi sẽ tỉa thưa, bán cho nhân dân làm cây chống, số tiền đó sẽ trả lãi và nợ ngân hàng, sau đó tái đầu tư cho diện tích còn lại, nếu thuận lợi khoảng 5 năm nữa gia đình sẽ khai thác số keo này ước khoảng 200m3, lãi khoảng 300 triệu đồng là cầm chắc trong tay”.

Cũng như gia đình chị Hiển, chị Nguyễn Thị Mơ ở thôn Quyết Tiến 12, xã Đại Minh có hoàn cảnh đặc biệt hơn: Năm 2012, sau mỗi lần lao động quá sức chị thấy cổ họng mình đau rát nên chị đã đi khám và phát hiện u tuyến giáp, để có tiền chữa bệnh gia đình chị phải bán hết những tài sản có giá trị. Vừa được vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Yên Bình, gia đình chị mua ngay cặp trâu nái sinh sản hết 48 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng gia đình trồng thêm 1 sào cỏ voi làm thức ăn bổ sung cho những ngày mưa bão, từ cặp trâu gầy gò sau gần 2 tháng được gia đình chăm sóc, nay đã to khỏe. “Mình không phải là người lười biếng nhưng quả thật không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. May có nguồn vốn vay, gia đình có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Mong sẽ có thêm nhiều hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn này”, chị Mơ chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Minh Hưng: “Việc cho hộ cận nghèo vay vốn đã mang lại hiệu quả tích cực, đây là quyết định hết sức đúng đắn, giống như việc cởi “nút thắt” về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Song, để đồng vốn đó phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành địa phương trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp”.

Theo Quang Thiều

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác