Tiền “đẻ” dê, bò…
Những ngày không khí Cách mạng sục sôi trong nhân dân, chúng tôi có dịp về thăm lại vùng An toàn khu Định Hóa. Được chứng kiến cuộc sống của người dân đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Có được điều này, họ không quên ơn đồng vốn ưu đãi được vay từ NHCSXH.
Dư sức trả nợ ngân hàng
Năm 2007, gia đình anh Xoan, dân tộc Tày là một trong những hộ thuộc diện “nghèo nhất” thôn Bãi Lềnh. Cuộc sống gia đình khó khăn chỉ trông chờ vào mấy sào đất canh tác, làm lúa, làm nương vất vả nhưng kinh tế gia đình chẳng thể khá lên.
“Đang lúc khốn khó, gia đình tôi được NHCSXH huyện Định Hóa cho vay 6 triệu đồng chương trình hộ nghèo, toàn bộ số tiền này tôi mua 1 con bò cái”, anh Xoan cho hay.
Được chăm sóc tốt, sau 1 năm bò mẹ cho gia đình anh một chú bê con. Cứ thế, hai năm sau, anh có tiền hoàn trả nợ ngân hàng và còn dư thêm một khoản để tiếp tục nhân đàn bò. Năm 2010, gia đình anh không còn trong danh sách hộ nghèo của xã nữa.
Với mong muốn vươn lên làm giàu cho gia đình, anh Xoan tiếp tục làm đơn vay vốn chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và được NHCSXH huyện chấp thuận. Tháng 6/2012, ngân hàng giải ngân cho anh Xoăn vay 20 triệu đồng.
Lần này, anh Xoan chuyển hướng sang nuôi dê. Theo anh, với địa hình đồi núi việc nuôi dê rất thuận lợi, lại tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên, hơn nữa nhiều hộ trong xã có của ăn của để cũng từ nuôi dê này. Với suy nghĩ đó, anh mua 7 con dê sinh sản về nuôi. 2 năm sau, anh có 20 con, mới bán 8 con, trừ tất cả chi phí anh bỏ túi 40 triệu đồng. Anh còn có 50 - 60 triệu đồng/năm tiền bán 20 - 30 con lợn thịt.
Anh còn nhận trồng khoán 2ha rừng keo, dự kiến sang năm anh sẽ có khoản thu đáng kể. “Với số tiền tích cóp được từ trồng trọt, chăn nuôi, tôi đã cất được ngôi nhà 2 tầng khang trang và mua các thiết bị sinh hoạt phục vụ gia đình”, anh Xoan khoe.
Ở sát nhà anh Xoan, gia đình anh Hứa Văn Hiếu cũng được vay vốn. Anh Hiếu chia sẻ: “Năm 2012, tôi vay ngân hàng 20 triệu đồng mua 5 con dê cái sinh sản. Sau hai năm, tôi đã thu lãi 30 triệu đồng. Cộng thêm thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm từ đàn bò, gia đình tôi dư sức để hoàn trả nợ cho Nhà nước”.
Hội, đoàn thể - cánh tay nối dài của ngân hàng
“Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Định Hoá là 285 tỷ đồng, với trên 13.156 khách hàng dư nợ; nợ quá hạn chiếm 0,045%. Trong đó, cho vay hộ nghèo là hơn 119 tỷ đồng, với 6.033 hộ còn dư nợ”, Giám đốc NHCSXH huyện Định Hóa, cho biết.
Để thực hiện tốt công tác giải ngân, thu hồi vốn, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nhận ủy thác để chuyển tải đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng chính sách nhanh chóng, dễ dàng, đảm bảo đúng đối tượng.
Các tổ chức hội, đoàn thể huyện chủ động phối hợp NHCSXH tổ chức tập huấn về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi; tập huấn lồng ghép kiến thức KHKT trong sản xuất và chăn nuôi để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể các xã tuyên truyền các chính sách tín dụng mới cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn,…
Bài và ảnh Lan Dương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Vốn ưu đãi “ươm mầm” cây keo
- » Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách giúp làng nghề truyền thống phát triển
- » Intellect Core Banking - nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Hiệu quả từ cho vay NS&VSMTNT ở Khánh Hòa
- » Điểm tựa vững chắc để làm giàu
- » Tăng mức vay - thêm cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Hiệu quả chương trình 30a ở Như Xuân
- » Nghệ An xóa “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở Đoàn