Vốn ưu đãi “ươm mầm” cây keo

30/08/2014
(VBSP News) Dự án WB 3, vay vốn ủy thác giải ngân qua NHCSXH, mang lại cơ hội thoát nghèo cho người dân Quảng Nam.
Từ vốn vay ưu đãi chương trình WB 3 nhiều hộ dân trồng cây keo và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ vốn vay ưu đãi chương trình WB 3 nhiều hộ dân trồng cây keo và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Không chi nổi tiếng với công trình thủy điện, Bắc Trà My (Quảng Nam) còn được biết đến là một trong những huyện trồng cây keo hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, năm 2013 toàn huyện có hơn 1.000ha rừng tại các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Nú, Trà Kót, Trà Giang, Trà Sơn theo dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) 3, được ủy thác giải ngân qua NHCSXH. Trong đó, cây keo chiếm diện tích khá lớn. Từ chương trình giải ngân trên của NHCSXH, hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Cán bộ NHCSXH huyện Bắc Trà My họp giao ban công tác cho vay vốn tại xã

Cán bộ NHCSXH huyện Bắc Trà My họp giao ban công tác cho vay vốn tại xã

“Tổng dư nợ vốn vay ưu đãi cho nông dân trồng rừng theo dự án phát triển lâm nghiệp do WB tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đạt hơn 150 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên địa bàn huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức và Quế Sơn với 4.765 hộ nông dân được hưởng lợi”.

Trên chiếc xe Suzuki Vitara quen thuộc của hệ thống NHCSXH, anh Nguyễn Dũng -  Tổ trưởng Tổ Kế hoạch tín dụng NHCSXH huyện Bắc Trà My đưa chúng tôi đến xã Trà Giang, một trong những xã điển hình về trồng cây keo và chăn nuôi hiệu quả. Hai bên đường từ thị trấn huyện đến xã phủ một màu xanh ngắt của rừng keo lai dịu mát, khiến đoạn đường dài chục cây số như ngắn lại.

Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang, cho biết: Xã có 667 hộ với 2.004 nhân khẩu, trong đó 95% dân số làm nông nghiệp với hai nghề chính là chăn nuôi, trồng rừng. Kể về sự vất vả của người dân Trà Giang, ông Bích, chia sẻ: “Xã còn nhiều khó khăn lắm các anh ạ”. Năm 2003, Trà Giang có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 73%, nhưng đến năm 2006 đã không còn thuộc diện địa phương nằm trong Chương trình 135. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 47,54%. “Tuy nhiên, vùng đất chúng tôi vẫn luôn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, ít bão lũ, bởi chỉ cần một trận lũ là nỗ lực thoát nghèo lại đi tong”, ông Bích chùng giọng.

Theo chính quyền xã Trà Giang, nguyên nhân dẫn tới đói nghèo một mặt do điều kiện hạ tầng còn kém, dân trí thấp, mùa mưa đi lại khó khăn, hay xảy ra gió lốc. Ngoài ra, thiếu vốn sản xuất cũng là nguyên nhân dễ xảy ra nghèo đói ở Trà Giang.

Hiện nay, NHCSXH giao dịch tại xã vào ngày 16 hàng tháng và công khai, minh bạch chính sách cho vay vốn. Đồng thời, NHCSXH cũng tổ chức tập huấn thường xuyên cho 19 Tổ TK&VV nên đa số Tổ TK&VV trên địa bàn xã đều đạt loại tốt và khá. Dư nợ của NHCSXH tại xã Trà Giang đạt gần 30 tỷ đồng với 9 chương trình tín dụng.

Đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện do nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Chẳng hạn như gia đình chị Lê Thị Học ở thôn 3, xã Trà Giang, nhờ được vay vốn hộ nghèo và vốn ưu đãi cách đây mấy năm đã trồng được 10ha keo nguyên liệu giấy. Tới nay, gia đình chị đã có đời sống khấm khá nhờ 40% diện tích keo đã cho thu hoạch.

Điểm giao dịch tại xã giúp người dân vay vốn thuận tiện

Điểm giao dịch tại xã giúp người dân vay vốn thuận tiện

Cùng xã Trà Giang, hộ ông Triệu Khánh Hòa ở thôn 5 cũng vừa thu hoạch 3ha keo, thu về khoảng 60 triệu đồng/ha, trong khi 4ha khác sẽ cho thu hoạch vào những năm tới. Chị Y Nong, dân tộc K’Dong ở thôn 2 cũng được vay 76 triệu đồng vốn ưu đãi, trong đó riêng vốn trồng rừng là 48 triệu đồng. “Truớc đây, cứ 1ha rừng trồng nhà tôi được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi, năm 2012 nâng lên 15 triệu đồng/ha”, chị Y Nong cho hay.

Toàn xã Trà Giang hiện có hơn 2.000ha đất lâm nghiệp, trong đó riêng đất rừng sản xuất đã phủ xanh cây là 850ha. Tổng vốn WB 3 giải ngân cho xã là 9 tỷ đồng với 197 hộ được vay vốn. Năm 2013, nhờ được vay vốn ưu đãi nên đã có 157 hộ trồng hơn 250ha rừng kinh tế. “Có vốn ưu đãi nên bà con đã hăng hái trồng rừng. Dù trồng trước hay trồng sau thì chắc chắn đời sống, thu nhập của bà con trong xã sẽ được cải thiện theo hướng bền vững, lâu dài”, ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã nói.

Vị Phó Chủ tịch này cũng đề nghị, do nhiều hộ dân trồng cây keo và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nên NHCSXH cần tiếp tục tăng nguồn vốn, nâng mức cho vay bình quân tối đa lên 50 triệu đồng/hộ để người dân nghèo có vốn tiếp tục trồng trọt, sản xuất. Qua công tác trồng rừng, một mặt phủ xanh đất trống, mặt khác còn là công cụ giảm nghèo hiệu quả ở địa phương.

Bài và ảnh Trang Nhung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác