Hiệu quả chương trình 30a ở Như Xuân

26/08/2014
(VBSP News) Như Xuân nằm trong top 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa (thuộc 62 huyện nghèo của cả nước). Huyện có 1 thị trấn và 17 xã, thì 15 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ. Với hơn 62 nghìn dân, trong đó có trên 63% DTTS, mấy năm qua được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, nhất là sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội Như Xuân có những chuyển biến tích cực...
Bà con nông dân chăm sóc cây cao su, một loại cây công nghiệp đầy triển vọng ở Như Xuân

Bà con nông dân chăm sóc cây cao su, một loại cây công nghiệp đầy triển vọng ở Như Xuân

Theo UBND huyện Như Xuân, trong những năm qua từ nguồn vốn 1.247 tỷ đồng của các Chương trình 135, 134 và 30a, huyện đã đầu tư xây dựng được 363 công trình dân sinh, kinh tế. Thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2013, huyện đã triển khai hỗ trợ 7.940 hộ mua trâu, bò, dê, lợn, gà, giống, phân bón, thiếu đất sản xuất; xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ mua 160 máy các loại (như máy cày nhỏ, máy bơm, máy tuốt lúa và phun thốc trừ sâu); tổ chức 61 lớp đào tạo, tập huấn cho 2.605 lượt người về chuyển giao KHKT trong sản xuất nông, lâm nghiệp; làm 1.053 nhà, hỗ trợ các hộ nghèo khó khăn về nhà ở…

Là huyện miền núi, kinh tế thuần nông, Như Xuân luôn chú trọng triển khai các chính sách, hỗ trợ, khuyến khích bà con phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập bằng nhiều hình thức như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, xác định phát triển cây công nghiệp, trồng rừng hàng hóa, chăn nuôi gia súc là hoạt động kinh tế chủ đạo. Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Tân Thanh, xã Cát Tiên đông con và nhiều cháu. Được Nhà nước hỗ trợ mua con giống, nhân đàn gia súc; tỉnh Thanh Hóa và huyện Như Xuân hỗ trợ hơn 9 triệu đồng để trồng mới, chăm sóc 1ha cao su. Đến nay, gia đình ông đã có 2 con bò, 1 con bê, với hơn 2ha cao su đang kỳ khai thác mũ và trồng mới thêm 1,5ha cao su nữa. Từ cuộc sống thường nhật phải “giật gấu, vá vai”, gia đình ông Hải thoát nghèo bền vững.

Thanh Sơn là xã vùng cao, “đệ nhất nghèo” của huyện nghèo Như Xuân. Ông Lang Đình Cương ở thôn Quán 1, bộc bạch: Bao đời, bà con người Thái nơi đây có truyền thống canh tác lúa nước, nhưng ít đầu tư thâm canh các cây trồng khác. Được nhà nước hỗ trợ vốn và được cán bộ khuyến nông đến tận nhà, ra tận đồng “cầm tay chỉ việc”, nên năng suất lúa trước đây chỉ đạt từ 3 đến 3,5 tạ/sào, nay đã tăng lên 4 tạ/sào. Gia đình ông còn được hỗ trợ vốn trồng 1,3ha keo, mua 2 con dê đến nay đã nhân lên 7 con nên thoát được nghèo.

Trưởng phòng NNo&PTNT Phạm Văn Tuấn, ghi nhận: Từ việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả sản xuất của từng hộ tăng lên rõ rệt. Bình quân năng suất lúa vụ chiêm xuân vừa qua đạt 56 tạ/ha. Chăn nuôi từ tự cung, tự cấp chuyển dần sang phát triển chăn nuôi hàng hóa. Từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ để mua trâu, bò sinh sản, nhiều hộ đã nhân thêm được từ 1 đến 3 con trâu, bò. Đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện lên gần 10.200 con; hơn 5.600 con dê, hơn 19 nghìn con lợn…

Cùng với nguồn đầu tư của các chương trình, dự án, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đồng hành cùng bà con các dân tộc ở Như Xuân thoát nghèo. Tính đến nay các tổ chức hội, đoàn thể nhận vốn vay ủy thác từ NHCSXH trên 226 tỷ đồng, hơn 13.100 hộ/15.360 hộ trên địa bàn huyện đã được vay vốn phát triển kinh tế. Chị Châu Thị Lê ở thôn 12, xã vùng sâu Xuân Bình, cho biết: Trước đây gia đình tôi thuộc diện nghèo khổ, phải lo ăn từng bữa “đứt hơi”. Năm 2006, thông qua Hội Phụ nữ tôi được vay 5 triệu đồng vốn hộ nghèo của NHCSXH. Tôi quyết định mua 3 con dê sinh sản về chăn thả, sau 3 năm đã tăng thành 8 con. Thấy nuôi dê phù hợp, hiệu quả, tôi làm đơn đề nghị vay tiếp vốn ưu đãi thêm 15 triệu đồng. Hiện nay, đàn dê gia đình phát triển nhanh tới 50 con. Bán bớt dê, cộng với phần được Nhà nước hỗ trợ tôi đầu tư trồng 2ha keo lai, 1ha cao su và mở cửa hàng tạp hóa. Cuộc sống gia đình đang ngày càng khấm khá.

Như Xuân có 18 Điểm giao dịch, 354 Tổ TK&VV, nhờ những “cánh tay nối dài” ,vốn tín dụng ưu đãi đến hầu khắp hộ nghèo trong huyện. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Lê Đình Chuyên: Tuy còn ở mức cao, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm một cách đáng kể, từ 51,32% năm 2010, giảm xuống 30,96% năm 2013 và đang tiếp tục giảm trong năm 2014. Cùng với chăn nuôi, một số loại cây trồng có khối lượng hàng hóa lớn, như mía 4.688ha, sắn 1.900ha. Đặc biệt, cây cao su 6.028ha, đang được tiếp tục mở rộng, là thế mạnh trong công cuộc xóa nghèo bền vững và làm giàu của huyện Như Xuân.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác