Đô Lương - Hiệu quả vốn vay ưu đãi
Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương, đến nay tổng dự nợ của đơn vị đạt trên 351 tỷ đồng, với 8 chương trình cho vay; trong đó dư nợ lớn nhất là cho vay HSSV 182 tỷ đồng, hộ cận nghèo 64 tỷ đồng, hộ nghèo 58 tỷ đồng, NS&VSMTNT 20 tỷ đồng, làm nhà ở 4,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm 4,6 tỷ đồng… Chất lượng tín dụng đảm bảo tốt, nợ quá hạn 0,15% tổng dư nợ.
Đô Lương có 32 xã và 1 thị trấn, với địa bàn rộng, người đông, một cán bộ tín dụng phải phụ trách nhiều xã, đạt được kết quả trên trước hết nhờ người vay đã sử dụng vốn vay hiệu quả. Năm 2013, bà Nguyễn Thị Hằng trú tại xóm 7, xã Minh Sơn được vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay này, gia đình bà đã mua 1 con bò, sửa sang chuồng trại và đầu tư phương tiện làm bánh đa, bánh cuốn. Sau chưa đầy 1 năm, gia đình bà đã có bê con xuất chuồng với giá 10 triệu đồng. Hàng ngày, hai vợ chồng thức khuya, dậy sớm làm nghề kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cạnh nhà bà Hằng, hộ cận nghèo Nguyễn Công Đình cũng được vay 30 triệu đồng, ông đầu tư mua bò lai sind, sắm phương tiện phát triển nghề mộc. Đến nay, bê con sắp xuất chuồng, có giá trên 12 triệu đồng, nghề mộc cũng ngày càng “ăn khách”, cuộc sống gia đình đã bắt đầu đổi thay. “Mình không phải là người lười biếng, nhưng cuộc sống “cái khó bó cái khôn”, muốn làm ăn nhưng không có vốn đành bó tay. Nhờ có nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, gia đình mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Đình tâm sự.
Cũng như mọi địa phương khác, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng là việc thường xuyên được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm. Cùng với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, tính đến nay Đoàn Thanh niên huyện Đô Lương, thông qua nhận ủy thác, đang có dư nợ tại NHCSXH là 33,7 tỷ đồng. Từ đồng vốn vay, nhiều thanh niên yên tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Nguyễn Xuân Hưng ở chi hội 3, xã Thượng Sơn từng tốt nghiệp loại khá Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Anh không tìm đường “chạy việc” ra thành phố, khu đô thị mà chọn con đường về quê xây dựng trang trại và làm giàu trên mảnh đất cha ông để lại. Được sự hỗ trợ ban đầu từ nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên nhận ủy thác từ NHCSXH, anh mạnh dạn đầu tư đào ao thả cá, nuôi hàng ngàn con gà, ngan mỗi năm cho thu nhập tới 150 triệu đồng. Cũng ở Thượng Sơn, dựng nghiệp từ vốn vay NHCSXH, mô hình dịch vụ cơ khí của anh Hồ Sĩ Thông hàng năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động thời vụ, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/ tháng.
Khi nói về hiệu quả vốn vay, bà Hoàng Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thái Sơn, khẳng định: “Người Đô Lương biết vay và biết trả tín dụng ưu đãi của Nhà nước”. Bà giải thích thêm: “Biết vay tức là đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Biết trả khi hết hạn vay, khi hết nghèo, để nhường vốn tín dụng ưu đãi cho hộ khác, người khác còn khó khăn hơn mình”. Dẫn theo số liệu của NHCSXH huyện Đô Lương, 7 tháng đầu năm 2014, nợ đến hạn phải thu của chương trình cho vay HSSV là 13,9 tỷ đồng, nhưng số tiền người dân trả lên tới 32,7 tỷ đồng (18,8 tỷ đồng trả nợ trước hạn). Điều này chứng tỏ nhu cầu HSSV vay vốn giảm mạnh. Thực tế từ Đô Lương, minh chứng cho hiệu quả nguồn vốn cho vay HSSV trong suốt chu kỳ từ 2007 đến nay. Khi con em ra trường (dù có việc làm hay chưa) gia đình đều có ý thức, trách nhiệm trả nợ ngân hàng, tiếp tục nhường vốn quay vòng cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Mặt khác, cũng cần nói thêm, những quy định mức ưu đãi lãi suất trả nợ trước hạn của ngân hàng đã phát huy tác dụng…
Bài và ảnh Minh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo
- » “Cú hích” giúp dân nghèo làm giàu
- » Cần Thơ đủ vốn cho HSSV vay
- » Vốn chính sách trợ lực cho phụ nữ phát triển sản xuất
- » “Bà đỡ” của hộ nghèo
- » Lào Cai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Nông dân Diễn Châu được tiếp sức
- » Vốn chính sách phát huy hiệu quả trên mảnh đất cội nguồn Cách mạng
- » Nâng bước trò nghèo