“Bà đỡ” của hộ nghèo

20/08/2014
(VBSP News) Với lãi suất cho vay ưu đãi, mỗi năm hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được vay vốn chính sách của Nhà nước để phát triển sản xuất. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Nhiều hộ gia đình ở thị xã Quảng Yên vay vốn chính sách phát triển kinh tế

Nhiều hộ gia đình ở thị xã Quảng Yên vay vốn chính sách phát triển kinh tế

Trường hợp của gia đình ông Cao Văn Bản ở thôn 2, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà là ví dụ tiêu biểu. Trước khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, cuộc sống của gia đình ông vô cùng khó khăn, làm không đủ ăn. Đến năm 2009, qua sự giới thiệu của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, ông Bản đã được biết đến vay vốn ưu đãi của NHCSXH và được hướng dẫn để vay vốn phát triển trồng rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Bản cho biết: “Trong xã đã có nhiều hộ gia đình phát triển nghề trồng rừng nhưng do gia đình tôi không có tiền nên không thể đầu tư nghề này được. Mãi đến năm 2009, nhờ sự hướng dẫn của Hội Nông dân và các cán bộ trong Tổ tiết kiệm và vay vốn của xã, tôi đã được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng của NHCSXH. Đây là số tiền khởi nghiệp vô cùng quý giá đối với những hộ nghèo như chúng tôi”.

Sau 5 năm phát triển nghề trồng rừng, đến nay cánh rừng trồng keo của gia đình ông Bản đã cho thu hoạch, ước tính tổng doanh thu khoảng 400 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Ông Bản cho biết sau khi trả xong nợ, ông sẽ tiếp tục vay vốn đầu tư thêm mô hình chăn nuôi lợn rừng tại gia đình. “Ở xã chúng tôi, đã có rất nhiều hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất. Thủ tục vay vốn rất nhanh chóng, thuận tiện. Cán bộ ngân hàng cũng tư vấn thêm cho chúng tôi những mô hình hay để phát triển các mô hình kinh tế. Hy vọng với sự đồng hành của NHCSXH sẽ giúp cho chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”, ông Bản vui vẻ chia sẻ.

Từ đầu năm 2014 đến nay, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã cho 600 lượt khách hàng là hộ nghèo vay với tổng số tiền 18 tỷ đồng và 5.063 lượt hộ cận nghèo vay, tổng số tiền 143 tỷ đồng. Đáng chú ý, ở một số địa phương như: Móng Cái, Hải Hà có dư nợ cao lên tới trên 100 tỷ đồng. Nhờ có chương trình tín dụng ưu đãi này mà nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội thụ hưởng nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định.

Được biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động cho hộ nghèo vay vốn đạt hiệu quả cao, thời gian qua chi nhánh đã có nhiều sự đổi mới trong hoạt động tín dụng. Cụ thể, ngân hàng đã thành lập 185 Điểm giao dịch xã, phương nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc cho vay, thu nợ, thu lãi. Cùng với đó, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, qua đó đánh giá chất lượng hoạt động của các đơn vị cơ sở, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại sai sót, đưa hoạt động ngân hàng từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Ngọc Bích - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh cho biết: “Thời gian vừa qua gần như các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất đều đã thoát nghèo. Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chúng tôi sẽ định hướng người dân sau khi vay vốn cần triển khai đầu tư các mô hình thực tiễn với địa phương, có sự định hướng lâu dài”.

Thêm một tin vui nữa là hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng mức vay tối đa lên 50 triệu đồng/hộ. Hy vọng với những trợ lực này, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ có điều kiện phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo Báo Quảng Ninh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác