Đơn Dương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu công nghệ cao

14/08/2014
(VBSP News) Đơn Dương là huyện duy nhất được tỉnh Lâm Đồng chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo ông Thái On - Bí thư huyện ủy: “Mục tiêu đặt ra cho Đơn Dương là xây dựng huyện đạt NTM phải theo đúng quy hoạch của tỉnh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân gắn với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, có môi trường xã hội ổn định, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ...”.
Phát triển chăn nuôi bò sữa mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân

Phát triển chăn nuôi bò sữa mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân

Huyện Đơn Dương nằm phía Đông Nam của tỉnh Lâm Đồng, dân số khoảng 91.000 người, trong đó 30% dân tộc thiểu số. Diện tích tự nhiên trên 61.000ha, trong đó có gần 17.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Với đặc điểm vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, nghề trồng rau có từ lâu đời ở Đơn Dương, ngày nay là vùng chuyên canh rau lớn nhất Lâm Đồng. Là huyện thuần nông, sau khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn làm điểm, huyện đã chọn 2 lĩnh vực căn bản làm “điểm đột phá” để phát triển công nghệ cao trong xây dựng NTM là trồng trọt và chăn nuôi. Với sự chỉ đạo khá quyết liệt nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện chủ trương của Đảng, bước đầu huyện đã thu được những kết quả khả quan. Đơn Dương có 2 thị trấn và 8 xã, đến cuối năm 2013, xã Quảng Lập và Lạc Lâm cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, 3 xã đạt từ 15 - 17 tiểu chí và 3 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí.

Trong tổng diện tích rau thương phẩm gieo trồng trong năm 2013 của huyện 22.918ha, đạt sản lượng 734.600 tấn, có 70% diện tích được ứng dụng công nghệ cao, đạt doanh thu bình quân 120 - 150 triệu đồng/ha/năm; riêng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 250 triệu đồng/ha/năm. Về chăn nuôi, huyện đã chọn việc lấy đàn bò sữa làm trọng tâm để tăng thu nhập cho người dân và phát triển xây dựng NTM. Tính đến cuối năm 2013, trong tổng số 6.400 con bò sữa của tỉnh Lâm Đồng thì đàn bò sữa huyện Đơn Dương chiếm 5.245 con. Nhờ phát triển trồng rau và chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, Đơn Dương đã nâng mức thu nhập từ 18,3 triệu đồng năm 2010 lên 36 triệu đồng/người/năm 2013, chỉ đứng sau một số trung tâm lớn của tỉnh như Đà Lạt, Bảo Lộc…

Theo số liệu thống kê, năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đơn Dương còn 20,8%, trong đó hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,76%. Qua 5 năm triển khai các Chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,8%, trong đó hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 9,09%. Hầu hết các thôn nghèo, hộ nghèo ở huyện Đơn Dương tiếp giáp với đồi núi, có nhiều đồng cỏ tự nhiên thuận tiện cho việc chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi bò vàng, bò laisin. Hiện tại, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, thông qua các Chương trình tín dụng ưu đãi, huyện Đơn Dương đã tạo được hệ thống an sinh xã hội tốt, giúp người nghèo thực sự có “cần câu” để thay đổi cuộc sống. Với số vốn 20 triệu đồng được vay từ NHCSXH cũng như tiền hỗ trợ từ Chương trình 30a, anh Ya Uông, dân tộc Churu ở thôn Krăng Gọ, xã TàHine thuộc diện hộ nghèo, mua bò và trồng rau. Hiên tại với 4 con bò và 5 sào trồng rau, củ thương phẩm các loại gia đình anh không còn rơi vào cảnh phải lo cái đói hàng ngày.

Thôn Ròn, xã Đạ Ròn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có lợi thế tự nhiên đất rộng. Năm 2009, ngoài vốn vay ưu đãi, chị Ka Keck được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 10 triệu đồng để làm vốn nuôi bò sữa. Chị cho biết: Lúc đầu chỉ nuôi 1 - 2 con. Vừa nuôi vừa học người Kinh, vừa tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm khuyến nông, đến nay chị có đàn bò 7 con cho sữa, 3 con bê trị giá 600 triệu đồng. Được biết 1 ngày 1 con bò sữa cho 20 - 23 lít sữa, giá 15.000 đồng/lít. Từ một con vật xa lạ chưa bao giờ làm quen, giờ chăn nuôi bò sữa là một nghề xóa nghèo và làm giàu cho người K’Ho ở Đạ Ròn.

Tính đến nay, NHCSXH huyện Đơn Dương đạt tổng dư nợ trên 170 tỷ đồng với 9.710 khách hàng. Cùng với các cấp, các ngành NHCSXH đang góp sức đưa Đơn Dương trở thành huyện NTM đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 2015.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác