Giúp dân ven đô thoát nghèo, làm giàu
Sau khi rà soát, xác định lợi thế của địa phương và được sự giúp đỡ trực tiếp của ngân hàng, cuối năm 2011, Ninh Nhất bắt tay làm đề án nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Kể từ đó, hàng trăm hộ dân được vay vốn từ chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm xây dựng thành công trang trại, gia trại chăn nuôi, ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trước.
Chị Hà Thị Hiên ở thôn Thượng Nam là một trong những hộ dân tiên phong vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi làm trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái ở xã Ninh Nhất. Mô hình chăn nuôi lợn, vịt kết hợp của chị đã manh nha từ lâu nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là thiếu vốn nên mô hình chỉ nằm ở quy mô gia trại.
Thời điểm cả tỉnh phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới, Ninh Nhất tiến hành quy hoạch phân vùng sản xuất và tạo điều kiện cấp đất cho hộ chị Hiên. Sau khi có quỹ đất trong tay, bằng nguồn tích lũy tự có và vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, chị Hiên nâng quy mô gia trại lên trang trại với 3 dãy chuồng nuôi lợn thịt, một lứa 30 con… Bình quân thu nhập mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.
Chị Hiên cho biết: “Nhà nước đã tạo mọi điều kiện giúp gia đình tôi mở rộng quy mô. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ chắc trang trại của tôi khó mà được như ngày hôm nay”.
Từ mô hình của gia đình, chị Hiên không quản ngại vất vả chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh; đầu tư con giống, thức ăn giúp đỡ hàng chục hộ dân trong, ngoài thôn, xóm cùng phát triển kinh tế gia trại, trang trại.
Còn đối với anh Hà Văn Lê, người cùng thôn với chị Hiên đã sử dụng 20 triệu đồng vay làm nghề trồng nấm linh chi và mộc nhĩ, để mỗi vụ thu hoạch cũng mang lại ít nhất là 30 triệu đồng.
Hiệu quả tích cực mà anh Lê thu được khẳng định tác dụng của nguồn vốn ưu đãi đối với công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề của xã Ninh Nhất đã đi đúng hướng.
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất Nguyễn Thị Dung, cho biết, ngay từ những ngày đầu triển khai đề án tăng cường tín dụng chính sách, Ninh Nhất đã xác định phát triển nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ then chốt. Phải động viên bà con mạnh dạn vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Từ định hướng đó, xã tập trung xây dựng, kiện toàn 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn, khi có chỉ tiêu vốn vay của NHCSXH, Ban giảm nghèo xã tiến hành phân bổ vốn vay về từng thôn, xóm theo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên những thôn, xóm có nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn trước. Việc phân bổ nguồn vốn đảm bảo dân chủ, công khai.
Tính đến giữa năm 2014, xã Ninh Nhất đã có 829 hộ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, dư nợ đạt 10,2 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã, đang kích cầu đúng thời điểm, góp phần cải thiện cuộc sống nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết “tam nông” đề ra.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Phụ nữ miền núi coi trọng đồng vốn ưu đãi
- » Xã Đưng K’Nớ thoát nghèo hiệu quả
- » Tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn
- » Hộ cận nghèo được tiếp sức
- » Tất cả vì người dân
- » Cùng giúp nhau thoát nghèo
- » Tiếp sức cho HSSV vùng dân tộc miền núi đến trường
- » Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và NHCSXH giao ban công tác ủy thác 6 tháng đầu năm 2014
- » “Không được cam chịu đói nghèo”