“Không được cam chịu đói nghèo”

07/08/2014
(VBSP News) “Không được cam chịu đói nghèo, phải tiếp tục vươn lên” - đó là mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp về thăm xã Phước Đại thuộc huyện Bác Ái, là huyện nghèo nhất của tỉnh Ninh Thuận, nằm trong “tốp” 62 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ.
Cán bộ, nhân dân xã Phước Đại tặng Tổng Bí thư chiếc gùi và nỏ truyền thống

Cán bộ, nhân dân xã Phước Đại tặng Tổng Bí thư chiếc gùi và nỏ truyền thống

Nằm ở phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, 95% số dân huyện Bác Ái là đồng bào dân tộc Raglai. Nơi đây có truyền thống cách mạng kiên cường với 9 đơn vị và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu AHLLVT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy vậy, cho đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của cả xã Phước Đại còn rất cao. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Phước Đại vẫn còn tới 56,3%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bác Ái là 38,1%. Đây là điều Tổng Bí thư trăn trở.

Báo cáo với Tổng Bí thư về công tác xóa đói, giảm nghèo, Bí thư huyện ủy Phạm Văn Hoa, cho biết: Bác Ái có 9 xã và 38 thôn, trong đó có tới 36 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đảng bộ huyện Bác Ái không sợ nghèo về vật chất mà chỉ sợ nghèo về ý chí, không chịu vươn lên làm chủ cuộc sống. Với tinh thần ấy, những năm qua vượt lên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, huyện tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là lồng ghép các chương trình, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp.

Theo số liệu của UBND huyện, trong 5 năm (2009 - 2013), chương trình hỗ trợ đầu tư huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chính sách lồng ghép, huyện Bác Ái đã được phân bổ nguồn vốn hơn 401,3 tỷ đồng, trong đó có trên 31,6 tỷ đồng huy động từ nguồn lực xã hội, cho các mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Chương trình 167; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; tổ chức dạy nghề, xuất khẩu lao động, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn… Bước đầu, các chương trình lồng ghép đã giúp cải thiện từng bước đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân nơi đấy, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 8%, cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo (2.722 căn nhà được xây dựng). Đến nay, 100% thôn, bản được dùng điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông cơ bản thông suốt từ huyện xuống xã.

Ông Chamaléa Tiếp - nguyên Bí thư huyện ủy Bác Ái, nhìn nhận: “Cơ hội cho Bác Ái phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn, bởi địa phương đã được Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi. Ngoài một số hồ đập nhỏ như Ô Căm, Phước Nhơn, Bác Ái còn có các hồ lớn như: Sông Sắt, Trà Co và Phước Trung có dung tích gần cả trăm triệu mét khối, cung cấp nước tưới cho khoảng 3.000ha đất canh tác nông nghiệp. Phát huy lợi thế có đất rừng rộng, ngoài việc ưu tiên phát triền các mô hình trồng cây cao su, trồng mía, nhiều mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi heo tập trung theo hướng công nghiệp, phục hồi và phát triển chăn nuôi các loại gia súc như bò, dê…

Xã Phước Trung nằm ở phía Đông Nam của huyện Bác Ái, có diện tích tự nhiên gần 12.000ha, trong đó đất nông nghiệp chỉ có gần 3.000ha, có nhiều đồi núi trọc, sông suối chia cắt, khô hạn thường xuyên kéo dài. Toàn xã có 496 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã đã tập trung cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với  tập quán sản xuất của bà con dân tộc và thực tế địa phương. Thông qua các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn bà con dân tộc không chỉ “mắt thấy, tai nghe”, mà còn được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm “cầm tay chỉ việc”, vận động từ bỏ lối canh tác cũ, lạc hậu chuyển giao tiến bộ KHKT, hình thành phương pháp canh tác mới. Đây là xã đầu tiên của huyện mà bà con Raglai biết trồng lúa nước. Đáng mừng hơn, đến nay, một bộ phận bà con Raglai đã bước đầu làm quen với cách sản xuất hàng hóa, chủ động vay vốn ưu đãi của Chính phủ, lựa chọn cây, con có giá trị kinh tế cao, đầu tư đào ao (từ 0,5 - 1ha) chứa nước đảm bảo cho sản xuất và chăn nuôi. Tính đến nay, toàn xã có 458 hộ vay vốn chính sách từ NHCSXH, với tổng dư nợ đạt gần 6,6 tỷ đồng. Nói theo lời của lãnh đạo huyện Bác Ái thì đây là tín hiệu đáng mừng.

Đồng bào Raglai phát triển chăn nuôi để thoát nghèo

Đồng bào Raglai phát triển chăn nuôi để thoát nghèo

Không mừng sao được khi về thôn Rã Giữa, xã Phước Trung, đồng vốn chính sách đã mở ra nhiều cơ hội cho những nông dân trẻ như hộ anh Chamalea Đoa thoát nghèo. Năm 2008, anh được NHCSXH cho vay 8 triệu đồng nuôi bò sinh sản, kết hợp với chăm chỉ bám ruộng rẫy làm ăn. Từ lúc chỉ có vài con bò, anh đã gây dựng dần lên thành đàn bò trên 20 con, mỗi năm bán 3 - 4 con thu về trên 40 triệu đồng. Anh không chỉ chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi trên vùng đất khó mà còn giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ xã Phước Trung, Phước Tiến cũng là một trong những “Điểm sáng” của huyện Bác Ái trong việc sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả. Ông Pinăng Trí ở thôn Trà Co là một ví dụ. Được NHCSXH cho vay vốn, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, “nghe ưng cái bụng”, ông bỏ cách sản xuất “chọc lỗ, tra hạt”. Đến nay, gia đình ông có 1,5ha vườn cây, ao cá, 1ha trồng cây hàng năm, 6 con trâu, 600 bụi tre và hàng trăm con gia súc, gia cầm. Thu nhập tới trăm triệu đồng/năm. “Mình chưa giỏi đâu, ở Phước Tiến còn nhiều người sản xuất, chăn nuôi giỏi hơn mình”, ông Trí nói.

Đây là minh chứng để sau khi về thăm và làm việc với xã Phước Đại, huyện Bác Ái, trăn trở trước tỷ lệ hộ nghèo quá cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ở huyện Bác Ái có những điều kiện để giảm dần số hộ nghèo và xây dựng quê hương ngày càng phát triển, trong đó cần tận dụng tôt những cơ chế, chính sách của tỉnh, của Trung ương và việc xây dựng nông thôn mới. 

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác