Giúp người dân thoát nghèo bền vững

05/08/2014
(VBSP News) Hơn một năm qua, Chương trình tín dụng hộ cận nghèo do NHCSXH huyện Thống Nhất (Đồng Nai) triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp người dân có vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Ông Vũ Hữu Phát đang chăm sóc đàn bò

Ông Vũ Hữu Phát đang chăm sóc đàn bò

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hữu Phát 50 tuổi, ngụ tại ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2 cho biết: “Gia đình tôi có 5 khẩu, gồm hai vợ chồng và 3 người con đang tuổi ăn học, trong đó, người con đầu đang theo học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Không có ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định, hàng ngày vợ chồng tôi phải bươn chải làm thuê cuốc mướn, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền nuôi các con ăn học. Tuy đã cố gắng hết sức nhưng cái nghèo, cái đói vẫn không buông tha. Trong lúc khó khăn, năm 2006, gia đình tôi được vay 15 triệu đồng hộ nghèo đầu tư nuôi bò sinh sản. Năm 2012, gia đình đã trả lại sổ nghèo. Năm 2013, gia đình lại được vay 15 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo. Từ chỗ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, con cái có nguy cơ thất học, đến nay, cuộc sống của chúng tôi đã ổn định, vợ chồng có việc làm, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Cùng hoàn cảnh với gia đình ông Phát là hộ bà Nguyễn Thị Hoa ngụ xã Gia Tán 2. Bà Hoa chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 4 sào đất vườn nhưng vì không có tiền đầu tư giống, phân bón nên có đất cũng như không. Vợ chồng tôi đành chạy đôn chạy đáo làm thuê để kiếm tiền cho con ăn học. Năm 2006, gia đình được vay 15 triệu đồng hộ nghèo. Tôi dùng số tiền này mua bò sinh sản về nuôi, đến nay, đàn bò của gia đình đã phát triển lên 5 con. Tôi bán 2 con để trả lãi và gốc cho ngân hàng, còn lại tiếp tục nuôi và đầu tư trồng bắp (ngô) để phục vụ chăn nuôi. Để thoát nghèo bền vững, năm 2013, chúng tôi tiếp tục vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo. Với số tiền này, gia đình mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống. Đến nay, tôi có thể khẳng định, nếu không có NHCSXH hỗ trợ vốn vay ưu đãi thì chúng tôi sẽ không có được ngày hôm nay.

Ở huyện Thống Nhất, không riêng 2 trường hợp trên đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi mà còn có nhiều trường hợp khác sau khi tiếp cận nguồn vốn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như trường hợp của cựu chiến binh Nguyễn Văn Luật ngụ tại xã Gia Tân 2. Trao đổi với chúng tôi, ông Luật cho hay: “Sau khi rời quân ngũ, trở về địa phương và lập gia đình. Mặc dù được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ song cuộc sống của gia đình vẫn cơ cực trăm bề. Phần vì con đông phần vì chúng tôi không có công ăn việc làm ổn định nên thu nhập ngày càng sa sút, đời sống gia đình cứ như đi vào ngõ cụt. Trong lúc khốn khó, năm 2005, gia đình được NHCSXH huyện cho vay 5 triệu đồng. Có vốn, tôi cải tạo hơn 1.000m² vườn tạp chuyển sang trồng rau đem ra chợ bán, có đồng ra đồng vào nuôi các cháu ăn học. Đến năm 2011, NHCSXH lại tiếp tục cho chúng tôi vay 20 triệu đồng để giải quyết việc làm. Từ số tiền này, tôi chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi, đến nay, nhà tôi có một đàn heo nái và gần 70 heo thịt, hàng năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Không những gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững mà kinh tế còn đang phát triển, đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Theo ông Nông Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2, phần lớn người dân trong xã phát triển kinh tế bằng cách làm vườn và chăn nuôi, trong đó, có không ít hộ nông dân thiếu vốn sản xuất, cần được Nhà nước hỗ trợ. Nhờ có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vượt qua khó khăn, một số hộ không những đã thoát nghèo bền vững mà còn từng bước làm giàu trên mảnh vườn của mình. Đây là động lực hết sức quan trọng để xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2014.

Theo Báo KTNT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác