Nguồn vốn chính sách tham gia đảm bảo môi trường trong lành

03/08/2014
(VBSP News) Theo số liệu của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Hoà Bình, hiện tại đã có 78% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt và 52% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đó là những con số cụ thể chứng minh cho sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó có NHCSXH hoạt động vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh miền núi cửa ngõ miền Tây Bắc.
Ở vùng núi cao tỉnh Hòa Bình đã có nhiều công trình NS&VSMTNT được xây dựng nhờ nguồn vốn ưu đãi

Ở vùng núi cao tỉnh Hòa Bình đã có nhiều công trình NS&VSMTNT được xây dựng nhờ nguồn vốn ưu đãi

Đến hết tháng 7/2014, dư nợ chương trình NS&VSMTNT của NHCSXH tỉnh Hoà Bình đạt trên 160 tỷ đồng với trên 23 nghìn hộ dư nợ tại 191 xã, xây dựng được hơn 34 công trình. Nguồn vốn ưu đãi này thật sự phù hợp với nhu cầu của người dân nông thôn, bởi nó hỗ trợ thiết thực về nguồn lực tài chính kịp thời để xây dựng các công trình phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như huyện vùng cao Tân Lạc, chương trình được triển khai từ năm 2007 đến nay đạt được những kết quả tốt về doanh số cho vay, khả năng thu hồi vốn và lợi ích của đồng vốn ưu đãi mang lại. Cụ thể đã có trên 12 tỷ đồng với 1.955 hộ dân xây dựng được 2.940 công trình, bao gồm 1.713 công trình nước sạch và 1.227 công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn của ngành Y tế. Điểm nổi bật nhất của chương trình này ở huyện Tân Lạc là không có nợ quá hạn. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn và nộp lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng.

Ông Bùi Văn Phương - Phó chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn kể rằng: Lỗ Sơn là xã vùng sâu của huyện Tân Lạc. Trước đây, bà con dân tộc nơi đây vốn quen dùng nước chảy tự nhiên từ khe suối, lại có tập quán nuôi nhốt trâu bò dưới gầm nhà sàn nên thường mắc những bệnh mãn tính về mắt, đường ruột… ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, sản xuất. Nhưng từ khi được vay vốn ưu đãi thuận lợi và mở rộng đối tượng, không bó hẹp trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hay gia đình chính sách, nên bà con khắp thôn bản trong xã đã được vay vốn vay ưu đãi, xây nhà tiêu hợp lý, bắc đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước của huyện về tận nhà để sử dụng.

Từ nguồn vốn chính sách kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, đến nay xã Lỗ Sơn đã xây dựng được 368 công trình NS&VSMTNT, đảm bảo 90% hộ dân trong xã có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cùng với đó, xã đã không còn tình trạng nuôi nhốt trâu, bò dưới nhà sàn và gài từng ống nước từ khe suối về dùng nước. Xã cũng có kế hoạch phấn đấu mỗi năm thực hiện thêm 80 hộ gia đình xây dựng đủ 2 công trình NS&VSMTNT, tiến tới năm 2018, đạt 100% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch.

Cũng như ở Tân Lạc, huyện Kim Bôi đến nay đã có trên 1.000 hộ vay trên 11,8 tỷ đồng xây dựng hơn 1.200 công trình NS&VSMTNT. Đáng kể về thôn Sào, xã Hạ Bì, với khá nhiều hộ phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm nên khi giải ngân, cán bộ tín dụng đã kết hợp với cán bộ Trung tâm Khoa học công nghệ trên địa bàn vận động bà con xây dựng công trình, kết hợp xây dựng hầm bioga vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có nguồn phân bón phục vụ trồng trọt. Năm 2013, thôn Sào đã có 11 hộ sử dụng vốn vay chính sách và nguồn tích lũy của gia đình xây dựng được 11 công trình như vậy. Trong đó có gia đình anh Bùi Văn Tạo, chị Bùi Thị Quế, chị Quế phấn khởi cho biết: “Tuy vốn vay ưu đãi không lớn nhưng thực sự là nguồn trợ lực hữu ích đối với đồng bào dân tộc vùng cao chúng tôi. Đến nay gia đình tôi đã có bể nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, hầm chứa bioga, giúp cho sức khoẻ được đảm bảo và sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cũng phát triển theo”.

Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương thực hiện các dự án, triển khai việc nâng mức cho vay, giảm lãi suất chương trình NS&VSMTNT thôn theo Quyết định mới của Chính phủ. Tập trung ưu tiên cho vay tại các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và những nơi ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nặng; nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; thay đổi bộ mặt nông thôn, bảo vệ môi trường trong sạch, thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Trần Ngọc Tú

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác