Vốn ngân hàng giúp thanh niên xây dựng nông thôn mới

30/07/2014
(VBSP News) Trong khi có tới hơn 70.000 cử nhân, thạc sỹ ôm bằng chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải đi làm thuê thời vụ thì vẫn có hàng nghìn thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu cho mình và nhiều người dân địa phương ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với những thanh niên này, ngoài nghị lực, khát vọng và sáng tạo của tuổi trẻ, vốn ưu đãi là một công cụ hỗ trợ vô cùng quan trọng.
Anh Trịnh Đắc Lam đang chăm sóc vườn lan từ vốn vay ưu đãi

Anh Trịnh Đắc Lam đang chăm sóc vườn lan từ vốn vay ưu đãi

Đi xin việc hay tự tạo việc làm?

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 Chương trình liên tịch giữa Trung ương Đoàn TNCS HCM và NHCSXH, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý đã đặt ra câu hỏi hóc búa dành cho thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng: “Thanh niên sẽ đi xin việc làm (và số đông sẽ không xin được) hay tự tạo việc làm cho chính mình?”, đồng chí Nguyễn Văn Lý bày tỏ chút thất vọng khi phần đông thanh niên hiện nay còn quá thụ động trong việc lập nghiệp. “Họ chỉ nghĩ học xong mang tấm bằng đại học, cao đẳng đi xin việc làm chứ không dám nghĩ tới việc tự mình hãy tạo ra việc làm cho mình, rồi sau đó là tạo việc làm cho những người khác”, đồng chí Nguyễn Văn Lý nói.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lý, sự thiếu chủ động trong việc lập nghiệp này của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, cộng thêm với việc thiếu vốn sản xuất kinh doanh đã dẫn tới việc thanh niên ở các vùng nông thôn hiện nay đều bỏ quê lên thành phố làm thuê kiếm sống rất vất vả. Nhưng đồng chí Nguyễn Văn Lý cũng vui mừng cho biết về một “làn sóng ngược” khác. Đồng chí dẫn ra ví dụ về một thanh niên ở Hà Tĩnh trong hàng nghìn thanh niên cả nước đã từ bỏ công việc “làm thuê” với mức lương hàng chục triệu đồng, mang bằng đại học về quê vay vốn ngân hàng mở trang trại chăn nuôi với hàng nghìn con gà, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Ngay tại Hà Nội cũng có hàng trăm trường hợp điển hình thanh niên bỏ phố về quê hương vay vốn ngân hàng lập nghiệp thành công như thế. Đến xã Đông La, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) thăm cơ ngơi khang trang một tay anh Trịnh Đắc Lam xây dựng lên từ 3 vườn lan “khủng”, hẳn nhiều thanh niên còn đang loay hoay tìm kế lập thân, lập nghiệp nơi xa xứ cũng sẽ muốn bỏ phố về làng làm kinh tế như anh. Từ tháng 5/2012, được NHCSXH huyện Hoài Đức cho vay 160 triệu đồng hỗ trợ giải quyết việc làm, anh Lam đã nâng cấp hệ thống tưới tiêu, nhà bạt giúp việc trồng lan hiệu quả hơn. Hiện nay, vườn lan của anh không chỉ giúp anh làm giàu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và khoảng 15 lao động mùa vụ.

Sắp có thêm gói tín dụng cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Theo thống kê của Ban Thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội, hiện nay vùng ngoại thành có hàng nghìn bạn trẻ có nhu cầu vay vốn, song vì nhiều lý do mà chưa được đáp ứng. Một mặt vì nguồn vốn ít, mặt khác việc xác định tiêu chí chủ hộ là đoàn viên thanh niên chưa rõ ràng. Bởi đa số thanh niên hiện đang chung sống với gia đình, nếu mẹ vay vốn qua Hội Phụ nữ, bố vay vốn qua tổ chức Hội CCB… thì họ sẽ không được vay vốn theo nguồn của Đoàn Thanh niên nữa. Thêm nữa, thanh niên nông thôn hầu như không có tài sản thế chấp nên với các điều khoản vay vốn ngân hàng hiện nay thì họ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay.

Hiểu được những khó khăn này của thanh niên nông thôn, tại Hội nghị sơ kết nêu trên, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đã đưa ra đề xuất NHCSXH dành gói tín dụng cho thanh niên nông thôn vay vốn khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng yêu cầu Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn phối hợp với các đơn vị của NHCSXH trong vòng 1 tháng phải xây dựng xong đề án về gói tín dụng này.

Thanh niên nông thôn hiện rất thiếu vốn để khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh. NHCSXH đã dành ra 13.519 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, nhưng thực tế thì tỷ lệ thanh niên được vay vốn làm ăn trong con số này lại chưa đáng là bao. “Cho nên tôi rất tâm huyết với nhiệm vụ xây dựng đề án gói hỗ trợ cho thanh niên nông thôn lập nghiệp này”, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

Khẳng định nhu cầu vay vốn của thanh niên nông thôn hiện nay rất lớn, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng động viên Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn cố gắng phấn đấu hoàn thành đề án này trong quý III/2014 để xin ý kiến các cơ quan chức năng. Với chương trình này, thủ tục cho vay sẽ đơn giản hơn, thanh niên sẽ không còn phải vay vốn theo hộ và lấy tài sản để thế chấp.

Ủng hộ đề xuất của Trung ương Đoàn, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho hay, nguồn vốn dành cho gói tín dụng này sẽ được lấy từ nguồn tăng trưởng của ngân hàng hàng năm.

Bài và ảnh Hoàng Hương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác