Sự phối hợp đem lại hiệu quả thiết thực

26/07/2014
(VBSP News) Thời gian qua, Trung ương Hội CCB Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH chỉ đạo các cấp hội kết hợp với các Ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt dịch vụ ủy thác vốn cho hội viên CCB, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự phối hợp đó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tri ân công lao của những người có công với đất nước.
Vốn chính sách giúp CCB vùng chè Thái Nguyên phát huy hiệu quả

Vốn chính sách giúp CCB vùng chè Thái Nguyên phát huy hiệu quả

Thành quả ban đầu

Nhân kỷ niêm 67 năm ngày thương binh liệt sĩ, chúng tôi có dịp tìm hiểu những chương trình giảm nghèo hiệu quả mà Hội CCB triển khai thời gian qua, trong đó nguồn vốn ủy thác của NHCSXH có vai trò rất quan trọng.

Tính đến nay, tổng dư nợ mà NHCSXH ủy thác qua Trung ương Hội CCB Việt Nam đạt trên 19 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 800 tỷ đồng so với 31/12/2013); 15 chương trình tín dụng ưu đãi đang giúp 1.067.101 hộ vay với mức bình quân 17,8 triệu đồng/hộ. Bình quân dư nợ của một Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý đạt 580,4 triệu đồng.

Trong số 15 chương trình tín dụng, đáng kể nhất là 5 chương trình, cho vay hộ nghèo 6.254 tỷ 424 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 32,94%; học sinh, sinh viên 4.849 tỷ 412 triệu đồng, 25,53%; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 2.262 tỷ 562 triệu đồng, 11,9%; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1.957 tỷ 139 triệu đồng, 10,3%; hộ cận nghèo 1.745 tỷ 402 triệu đồng, 9,19%,…

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2014, dư nợ ủy thác qua Hội CCB tăng hơn 800 tỷ đồng (so với 31/12/2013, tăng 3,76%); khu vực có số dư nợ tăng cao là Đông Bắc Bộ (158 tỷ 650 triệu đồng), Tây Nam Bộ (156 tỷ 485 triệu đồng) và Bắc Trung Bộ (95,730 tỷ đồng). Các tỉnh có dư nợ ủy thác cao là Nghệ An 1.271 tỷ đồng; Thanh Hóa 866 tỷ đồng; Phú Thọ 631 tỷ đồng; Đồng Tháp 438 tỷ đồng,…

Tỷ lệ nợ quá hạn trong tổng số dư nợ Hội CCB đang quản lý là 0,54% (giảm 0,25% so với cuối năm 2013; đây là tỷ lệ thấp nhất có được trong hơn 10 năm qua). Nhiều đơn vị đã chú trọng, quan tâm đến việc chỉ đạo đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội CCB Việt Nam và NHCSXH tiếp tục quan tâm chỉ đạo Hội CCB và NHCSXH địa phương thực hiện văn bản thỏa thuận đã ký kết về ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, chỉ đạo thực hiện việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt ở các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ và 6 tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn cao như Hà Giang, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tỷ lệ tổ đạt khá và tốt tăng (theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, tỷ lệ hiện nay là 85,83%), tỷ lệ tổ yếu và trung bình giảm dần.

Trung ương Hội CCB Việt Nam còn tổ chức tập huấn lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và nghiệp vụ vay vốn thực hiện ủy thác tại 4 khu vực cho 600 cán bộ hội các cấp. Các tỉnh, thành hội đã phối hợp với NHCSXH tổ chức 250 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn cho 12.750 cán bộ, hội viên. Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức 275 lớp tập huấn giảm nghèo cho 14.270 cán bộ, hội viên.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt đông vay vốn ủy thác của NHCSXH đã góp phần giúp cho 10.587 hộ gia đình CCB thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý rất vui về kết quả đạt được trong công tác ủy thác cho vay nguồn vốn ưu đãi của Hội CCB. Ông Lý tin tưởng: “Thời gian tới, Trung ương Hội CCB Việt Nam tiếp tục phối hợp hiệu quả với NHCSXH trên cả 3 mặt công tác là làm tốt vai trò thành viên Hội đồng quản trị, tổ chức thực hiện hoạt động ủy thác và góp phần giám sát, phản biện hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi…”.

Hiệu quả của đồng vốn

Hiệu quả của đồng vốn

Nút thắt cần gỡ

Bên cạnh thành quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn mà lãnh đạo Trung ương Hội CCB Việt Nam đã chia sẻ thẳng thắn và mong muốn cùng hợp tác tháo gỡ, trong đó, NHCSXH là thành phần quan trọng.

Điển hình là việc tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác của các cơ sở hội không đồng đều trong cả 6 công đoạn của quy trình cho vay, chủ yếu quan tâm nhiều hơn đến việc giải ngân cho vay và thu lãi, thu nợ mà thiếu quan tâm đến những nội dung công việc khác, đơn cử như công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng và các quy định của ngân hàng còn nhiều nơi chưa làm tốt, chưa kịp thời; tổ chức hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa động viên, thuyết phục, đôn đốc người vay trả nợ kịp thời, chất lượng hoạt động của tổ ở một số nơi còn nhiều hạn chế như: trình độ, nhận thức, trách nhiệm của nhiều Tổ trưởng yếu, không đủ khả năng để làm cầu nối giữa NHCSXH và người vay.

Một số nơi, chính quyền, Hội CCB và NHCSXH chưa phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo hoạt động của tổ từ khâu thành lập, tổ chức họp bình xét, tuyên truyền vận động đến kiểm tra, giám sát và xử lý nợ, đặc biệt trong việc xử lý nợ xấu, lãi tồn đọng. Chưa chủ động trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác của NHCSXH, đặc biệt là quản lý, đôn đốc hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hạn chế tuyên truyền giáo dục ý thức trả nợ, trả lãi cho người vay, chưa kiên quyết trong việc thu hồi nợ quá hạn, thu lãi tồn đọng.

Tổng dư nợ mà NHCSXH ủy thác qua Trung ương Hội CCB Việt Nam hiện đạt trên 19 nghìn tỷ đồng

Tổng dư nợ mà NHCSXH ủy thác qua Trung ương Hội CCB Việt Nam hiện đạt trên 19 nghìn tỷ đồng

Hay, cán bộ hội chưa bám sát và theo dõi thường xuyên hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chưa tích cực đôn đốc Ban quản lý tổ thực hiện hợp đồng ủy nhiệm đã ký với ngân hàng. Chưa tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban hàng tháng theo quy định nên hạn chế đến việc tiếp thu và triển khai công việc sau giao ban, không tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm. Chưa phát hiện kịp thời các trường hợp người vay bị rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng để thông báo và cùng NHCSXH, chính quyền cấp xã lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ nợ bị rủi ro để trình cơ quan có thẩm quyền xử lý…

Hiến kế vì người nghèo

Trên tinh thần nhìn thẳng vào vấn đề, Hội CCB Việt Nam và NHCSXH đã cùng nhau xây dựng kế hoạch nhằm tháo dần nút thắt, phát huy tốt hơn nữa việc cho vay ủy thác và sự phối hợp giữa hai đơn vị.

Thời gian tới, NHCSXH cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ủy thác của tổ chức hội các cấp, phát hiện kịp thời các sai sót, vướng mắc phát sinh, có giải pháp xử lý. Nâng cao chất lượng hoạt động giao ban với Hội CCB các cấp, đồng thời đưa ra giải pháp xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ tham ô chiếm dụng, lãi tồn đọng, biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Mặt khác, hướng dẫn, kịp thời xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Tiếp tục củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn và nâng cao chất lượng làm dịch vụ ủy thác. Phối hợp với Hội CCB triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng tín dụng ở các tỉnh khu vực.

Trong năm 2014, từ Hội CCB các cấp cần tổ chức đánh giá lại việc thực hiện dịch vụ ủy thác, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Hội CCB cấp xã cần thường xuyên giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là tổ yếu kém.

Cùng NHCSXH nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban với NHCSXH. Thực hiện việc cho vay đúng đối tượng, theo dõi sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn. Tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp chấm dứt tình trạng phát sinh nợ bị tham ô, chiếm dụng, vay ké của cán bộ hội cũng như Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Hội CCB các cấp cần thường xuyên phối hợp với cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để giúp người vay sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Cần xây dựng những mô hình sử dụng vốn vay NHCSXH điển hình về phát triển kinh tế giảm nghèo để làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Đạo cho biết: tín dụng chính sách đã thể hiện được tính ưu việt, giúp nhiều hộ nghèo nói chung và hội viên CCB nói riêng có cơ hội thoát nghèo bền vững. Từ đây, việc cho vay ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cũng chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc đảm bảo mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đạo mong muốn: “NHCSXH sẽ tiếp tục tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với hội để thực hiện tốt công tác ủy thác và nhiệm vụ chính trị được giao”.

Bài và ảnh Nhất Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác