Xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo Lâm Bình

25/07/2014
(VBSP News) Lâm Bình (Tuyên Quang) là huyện mới thành lập còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng “vừa thiếu, vừa yếu”, tỷ lệ hộ nghèo tới 61,26%. Nhưng, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, được sự đầu tư của Nhà nước đồng bào các dân tộc trong huyện có những cách làm sáng tạo, hiệu quả xây dựng cuộc sống mới, giảm nghèo bền vững.
Thanh niên huyện Lâm Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn

Thanh niên huyện Lâm Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn

Huyện Lâm Bình được thành lập cách đây 4 năm, với 5 xã của huyện Na Hang và 3 xã thuộc huyện Chiêm Hóa. Là huyện vùng cao, chủ yếu đồi núi. Bí thư huyện ủy Nguyễn Mạnh Tuấn, khái quát về tình hình chung của huyện: địa hình bị chia cắt, đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Tuyên Quang… Đó là những trở ngại trên bước đường phát triển kinh tế - xã hội của huyện mới Lâm Bình.

Đến nay, điều nhận thấy rất rõ là bộ mặt nông thôn và đời sống đồng bào các dân tộc ở huyện Lâm Bình đã có những chuyển biến đáng kể. Con đường qua đèo Khau Lắc nối xã Bình An với trung tâm huyện dài mấy “quăng dao”, trước đây phải đi mất hơn nửa ngày đường, trời mưa nước lũ chia cắt, đành chịu. Nay đã thông xe, chỉ đi khoảng hơn 10 phút người dân đã qua đèo nhẹ nhàng, theo đó hàng hóa của bà con làng, bản được lưu thông. Chỉ trong năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, toàn huyện đã làm được hơn 30km đường bê tông nông thôn. Cả huyện trên 100 công trình, trong đó có các công trình trọng điểm, như trung tâm hành chính, bệnh viện đa khoa huyện, tuyến đường Thượng Lâm - Lăng Can, tuyến đường Hồng Quang - Bình An… cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện.

Thượng Lâm là 1 trong 7 xã điểm của tỉnh Tuyên Quang về xây dựng nông thôn mới, khi tiến hành rà soát chỉ mới đạt 3/19 tiêu chí. Sau 3 năm triển khai, xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gồm quy hoạch, thủy lợi, chợ nông thôn, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự, trường học và văn hóa. Năm 2014, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới: phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của nhân dân xã sẽ hoàn thành tiếp 5 tiêu chí, gồm giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm thường xuyên và y tế. Trong xây dựng nông thôn mới, Thượng Lâm đã chọn bê tông hóa đường giao thông nông thôn làm khâu đột phá. Đó là sự lựa chọn đúng đắn. Bởi, xã có 14 thôn, bản, nhiều thôn xa trung tâm xã tới cả chục km, việc phát triển giao thông là “chìa khóa” phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã bê tông được 15km đường (3,7km đường trục xã, 5,5km đường thôn, bản, hơn 6km đường nội đồng). Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc làm đường được tỉnh hỗ trợ xi măng, ống cống và phí quản lý 2 triệu đồng/km, dân đóng góp công và cát sỏi. Nhiều hộ hiến đất, dịch rào, nắn ruộng để làm đường. Thôn Nà Ta, có 67 hộ toàn là dân tộc Dao. Năm 2013, thực hiện chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non, anh Bàn Hữu Khoa đã tình nguyện hiến 130m2 đất vườn để mở rộng khuôn viên cho lớp học, mặc dù mảnh vườn nhà anh không lấy gì làm rộng. Theo gương anh Khoa bà con trong thôn tích cực góp công sức, nên chỉ sau 2 tháng lớp học của thôn đã được hoàn thành.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thượng Lâm đã được đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT và cho người dân vay vốn ưu đãi. Hàng trăm lao động có việc làm mới. Năm 2013, bình quân lương thực  đạt 665 kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,5% năm 2011, xuống còn 34,6% năm 2013.

Ngoài xã Thượng Lâm, hiện tất cả các xã còn lại của huyện Lâm Bình cũng đang nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí về nông thôn mới, mặc dù có xuất phát điểm khá thấp. Theo thống kê, đến nay 8 xã của huyện đã hoàn thành công bố quy hoạch  xây dựng nông thôn mới, có 4 xã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất. Trong 3 năm, tổng vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lâm Bình đạt trên 345 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lồng ghép nguồn vốn các chương trình, các dự án như nguồn vốn 135, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn dự án di dân tái định cư…

Không chỉ chú trọng đẩy nhanh xây dựng các công trình trọng điểm và phong trào  xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Bình còn đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên đia bàn, bằng những giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cụ thể, huyện chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cán bộ tín dụng NHCSXH, cán bộ khuyến nông… “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn hộ nghèo lập dự án, tổ chức thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh và giám sát các hộ nghèo sử dụng vốn vay. Tính đến nay, với tổng dư nợ trên 100 tỷ đồng, đối tượng hộ nghèo luôn là mục tiêu hướng tới của NHCSXH huyện Lâm Bình. Nguồn vốn vay đều được bà con các dân tộc sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Gia đình chị Lương Thị Huyên ở thôn Năm Đíp, xã Lăng Can được vay 20 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, nuôi vịt đẻ trứng và nuôi cá. Hiện nay, kinh tế phát triển, cuộc sống gia đình ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học.   

Gia đình chị Quan Thị Sắm ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm là một trong những hộ nghèo đã nhận được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ khoản tiền vay 30 triệu đồng học sinh, sinh viên, con gái lớn của chị là Vi Hồng Vân sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm mầm non Hà Nội đã trở thành giáo viên mầm non của Trường Mầm non Xuân Lập (Lâm Bình). Con gái út đang theo học năm cuối cùng của trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang. Đến thăm nhà, chị Sắm vui mừng cho biết: “Cháu lớn hiện đã có công việc ổn định, đang giúp mẹ trả nợ tiền vay NHCSXH. Tín dụng chính sách đang đồng hành cùng người dân Lâm Bình giảm nghèo bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Bài và ảnh Thiện Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác