Nhiều phụ nữ ở thị xã Hương Trà thu nhập hàng trăm triệu đồng
Với 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, chị Hoàng Thị Huệ ở tổ 7, thị xã Hương Trà trở thành một trong những gương điển hình trong phát triển kinh tế, được Hội Phụ nữ tỉnh tuyên dương. Chị Huệ cho biết, sau khi được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, chị mở ki ốt kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm. Để thu hút khách hàng, ngoài bán hàng uy tín, chất lượng chị còn tranh thủ tìm tòi, học hỏi nắm bắt về nguồn gốc của từng mặt hàng, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm để nâng cao kiến thức, tư vấn cho khách hàng. Nhờ vậy, việc kinh doanh của chị ngày càng thuận lợi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Là phụ nữ đơn thân, một mình phải nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống của mẹ con chị Phạm Thị Kiều Dung ở tổ 8 lúc nào cũng trong cảnh chạy ăn từng bữa. Được Hội Phụ nữ tạo vốn vay, chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, lại biết tận dụng thức ăn sẵn có trong vườn, đàn gia súc gia cầm của chị ngày càng phát triển. Hiện nay, trong chuồng lúc nào cũng có 3 lợn nái, 20 lợn thịt, gần 200 gà vịt, cộng thêm mấy sào ruộng, cuộc sống của mẹ con chị đã được cải thiện, có của ăn của để.
Chị Hoàng Thị Lẹ - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hương Văn cho biết, hiện nay nguồn vốn vay ưu đãi do hội quản lý đạt trên 8 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 500 hội viên vay vốn. Hầu hết các hội viên đều làm ăn có lãi, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, không có nợ quá hạn.
Không riêng phường Hương Văn, hội viên phụ nữ các phường, xã của thị xã Hương Trà đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Trên diện tích đất hơn 3ha, gia đình chị Huỳnh Thị Cúc ở thôn Tân Phong, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà đã canh tác các loại rau, đậu, đồng thời chăn nuôi gà vịt, nuôi cá và thường xuyên có 30 con heo thịt trong chuồng, trung bình mỗi năm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Chị Cúc phấn khởi: “Kết quả này có được là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi”. Cũng nhờ có vốn ưu đãi, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ lại làm giàu mô hình thu mua chế biến gỗ tại chỗ…
Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc cán bộ hội thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc thu hồi vốn đúng kỳ hạn, hội còn tích cực tuyên truyền vận động, hỗ trợ hội viên phát huy thế mạnh của gia đình, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT theo từng thế mạnh địa phương, như trồng nấm sò cho các hội viên tại Hương Hồ, Hương Chữ; nuôi gà an toàn sinh học ở Hải Dương và Hương Toàn. Hội cũng phối hợp với Trung tâm tâm dạy nghề thị xã mở 2 lớp dạy kỹ thuật chế biến thức ăn cho các chị có nhu cầu mở nhà hàng, dịch vụ nấu ăn gia đình hay cho các chị làm cấp dưỡng tại các trường mầm non, nhà trẻ. Đây chính là khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho hội viên phụ nữ.
Chị Trần Thị Tuyết - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Hương Trà cho biết: “Hiện, dư nợ hội đang quản lý là trên 127 tỷ đồng cho trên 80 nghìn hộ vay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,25%. Nhiều đơn vị như Hương Văn, Hương Toàn nhiều năm nay không có nợ quá hạn”.
Theo Báo Thừa Thiên - Huế
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Làm giàu từ nguồn vốn nhỏ
- » Trợ vốn cho nông dân thoát nghèo
- » Điểm tựa cho hộ cận nghèo của Nam Định
- » Giúp người dân vùng cao thoát nghèo
- » Võ Miếu - nơi Tổng Bí thư về thăm
- » Bước ngoặt phát triển công nghệ của tín dụng chính sách
- » Nâng mức cho vay và giảm lãi suất: Người nghèo thêm vui
- » Mong thêm chòi bê tông để người Quảng Bình vững tâm vượt lũ
- » Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Sơn