Điểm tựa cho hộ cận nghèo của Nam Định

21/07/2014
(VBSP News) Từ đầu năm 2014 đến nay, NHCSXH tỉnh Nam Định đã giải ngân 42,3 tỷ đồng cho 1.837 hộ cận nghèo trên địa bàn được vay vốn ưu đãi. Tổng số hộ hiện còn dư nợ là 8.246 hộ với số tiền 175 tỷ đồng, dư nợ bình quân là 21,3 triệu đồng/hộ. Một số huyện đạt mức dư nợ cao như Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên... trên 20 tỷ đồng. Nhờ có chương trình tín dụng này mà nhiều gia đình đã có cơ hội thụ hưởng nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn chính sách đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ cận nghèo ở Nam Định

Nguồn vốn chính sách đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ cận nghèo ở Nam Định

3 năm trước, gia đình chị Vũ Thị Thao ở xóm 2, xã Đồng Lạc, huyện Nghĩa Hưng còn là hộ nghèo. Theo địa phương bình xét, gia đình chị được vay vốn hộ nghèo của NHCSXH. Tuy nhiên, do mức cho vay hộ nghèo thấp nên vào thời điểm cuối năm 2012, gia đình chị vừa thoát cảnh nghèo khó, trả xong số tiền vay cho NHCSXH đúng kỳ hạn thì lặp lại cảnh thiếu vốn sản xuất, làm cho gia đình chị đứng trước nguy cơ tái nghèo. Nhưng trong cái rủi đã gặp vận may, đó là dịp giữa năm 2013, NHCSXH huyện thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, gia đình chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã bình xét và NHCSXH huyện cho vay 22 triệu đồng. Với số tiền vay đó, chị yên tâm, phấn khởi mua ngay 2 con lợn nái và 100 vịt giống về chăn thả. Chị Thao chia sẻ: “Nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo được kịp thời thực sự có ích với gia đình tôi, tạo đà để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với mức thu nhập từ 2 lứa lợn giống và đàn vịt ấp trứng, hiện nay gia đình tôi đã đủ khả năng trả gốc, lãi đúng thời hạn và chắc chắn thoát cả cảnh cận nghèo đấy”.

Được biết, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 2, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng có 52 thành viên đang còn dư nợ 1,6 tỷ đồng với NHCSXH, trong đó dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 198 triệu đồng. Toàn bộ 9 thành viên vay vốn diện hộ cận nghèo đều đầu tư vào chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy, đa số hộ cận nghèo là những hộ có ít lao động, đông con, gặp rủi ro trong sản xuất, do vậy, khi được nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời, họ đã có thêm, có đủ cơ hội phát huy nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo bền chắc.

Chị Kim Thị Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm 2, xã Nghĩa Lạc cho biết: “Tổ hiện đang có dư nợ 1,6 tỷ đồng với NHCSXH. Trong đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo tuy mới triển khai, nguồn vốn chưa được mở rộng nên theo sự chỉ đạo của NHCSXH và UBND xã, Tổ đã tập trung bình xét, tạo điều kiện để một số hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn hơn được ưu tiên vay trước. 9/17 hộ cận nghèo trong tổ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhanh hơn so với những năm trước. Gần đây, hộ cận nghèo lại được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, bà con trong tổ vui mừng và có cơ hội có thêm điều kiện thoát nghèo vững chắc, phát triển sản xuất, làm giàu được.

Để thực hiện tốt chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, NHCSXH tỉnh Nam Định đang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác của các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình bình xét cho vay, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, NHCSXH các huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền, tạo chuyển biến trong ý thức trả nợ của khách hàng, tư vấn đầy đủ, kịp thời các thông tin về tín dụng chính sách để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có kế hoạch cụ thể, hợp lý trước khi quyết định vay vốn, tránh tình trạng cố vay theo tiêu chuẩn mà không xác định được phương hướng sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ, nộp lãi đầy đủ, và đúng kỳ hạn.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác