Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự hữu ích trong giảm nghèo ở huyện Như Thanh

11/07/2014
(VBSP News) Hiện, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 9.622 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm ở tất cả 637 xã. Mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở, từng hộ dân, phục vụ các đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách trực tiếp, tiện lợi mà còn giúp họ sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tín dụng chính sách của Nhà nước.
Một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn

Một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn

Nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ viên đã được phổ biến, trao đổi thêm kiến thức xã hội, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để ứng dụng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Trước đây, gia đình chị Dư Thị Liên ở thôn Đồng Vinh, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh gặp rất nhiều khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập vài ba sào ruộng. Từ năm 2012, được Hội Nông dân xã động viên, chị Liên tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn nên, đã được tổ bình xét vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH cộng với Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế. Có vốn, lại được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi lợn thịt và gà đẻ trứng. Từ cuối năm đó đến nay, mô hình gia trại của gia đình chị Liên đạt mức thu nhập cao, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng/năm.

“Các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân huyện Như Thanh quản lý hiện đã chuyển tải hơn 90 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH tới 4.491 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đều được xếp loại tốt và khá, đóng vai trò như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trên địa bàn huyện miền núi rộng lớn về phía Tây của tỉnh Thanh Hóa”.

Cũng như gia đình chị Liên, hoàn cảnh kinh tế nhà anh Nguyễn Ngọc Mai ở thôn Hồng Sơn, xã Yên Thọ trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ ngày tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân của xã quản lý, anh Mai đã 2 lần được vay vốn ưu đãi thuận tiện, kịp thời đầu tư công việc chăn nuôi và trồng trọt. Nay, mô hình VAC khép kín của anh đã có lãi từ 80 - 100 triệu đồng/năm giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại chỗ, với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, anh Mai vinh dự được chọn là gương điển hình trong phong trào thi đua sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả trong giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của Hội Nông dân huyện Như Thanh.

Ông Lê Văn Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Thanh cho biết: hầu hết các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân quản lý đã làm tốt công tác tuyên truyền chính trong tín dụng ưu đãi, triển khai công việc trong tháng; tư vấn hướng dẫn, giải thích để các tổ viên hiểu được lợi ích thiết thực mà nguồn vốn vay ưu đãi mang lại, đồng thời tiến hành bình bầu công khai, dân chủ cho các hộ được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi nhất với nguồn vốn vay nên đã tích cực tham gia các hoạt động của tổ, cùng nhau giúp đỡ các thành viên vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết thêm, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên nông dân nghèo, cận nghèo có điều kiện chủ động chăn nuôi trồng trọt theo hướng gia trại, trang trại, chuyển đổi ngành nghề góp phần thực hiện các hiệu quả giảm nghèo ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, bên cạnh đó trước đây các hộ dân phát triển kinh tế tự phát, hiệu quả kinh tế không cao. Khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ đã được phổ biến thêm kiến thức xã hội, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Bài và ảnh Minh Khánh - Thái Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác