Có một Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn dẫn đầu về quản lý nguồn vốn ưu đãi
Chị Luyến năm nay 48 tuổi, quê gốc ở huyện đồng bằng Kim Động (Hưng Yên) đã theo bố mẹ đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới tận miền Tây Bắc từ năm 1960, được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản Thanh Yên sau ngày NHCSXH huyện Yên Châu thành lập (năm 2003) đến nay. Trước đây, cuộc sống còn khó khăn, bà con dân tộc chỉ sản xuất theo kiểu tự cấp, tự túc nên rất ngại vay vốn và ít tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trước thực trạng đó, chị Luyến đã cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã và NHCSXH huyện đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động bà con gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Thời kỳ mới thành lập mới chỉ có 12 tổ viên, đến nay Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Thanh Yên đã có 52 thành viên và dư nợ với NHCSXH trên 900 triệu đồng, trong đó nguồn vốn vay hộ nghèo, hộ gia đình, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chiếm số lượng lớn nhất, 2/3 số dư nợ. Chị Vi Thị Mai, dân tộc Xinh Mun của bản Thanh Yên nói với chúng tôi rằng: Vì nhận thấy sự nhiệt tình, trách nhiệm cũng như cách thức bình xét cho vay vốn ưu đãi đảm bảo dân chủ, công bằng của Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Luyến phụ trách nên chị và nhiều người đã tự nguyện xin tham gia sinh hoạt trong tổ ngày một tăng.
Đúng vậy, là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản, chị Nguyễn Thị Luyến luôn gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ họ nhanh chóng tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Chị luôn trăn trở, bàn bạc, góp ý với từng tổ viên làm thế nào để khi nhận vốn vay để vừa sinh lời, vừa hoàn trả được gốc và lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng, nhưng vẫn cải thiện nâng cao cuộc sống gia đình. Chị Luyến cũng rất vui mừng khi có nhiều hộ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ sử dụng vốn hiệu quả vào thâm canh ngô lúa, phát triển đàn trâu bò, lợn gà nơi vùng cao biên giới. Điều đáng kể là trong suốt thời gian qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn này không có nợ quá hạn và lãi tồn đọng.
Để thực hiện được điều đó, Tổ trưởng Nguyễn Thị Luyến đã thường xuyên vận động các thành viên chỉ vay đủ vốn để phục vụ đầu tư sản xuất, không vay thừa để sắm sửa hoặc chi tiêu những việc khác trong tiêu dùng gia đình. Trước khi làm hồ sơ cho hộ vay vốn, chị còn đi thực tế, kiểm tra trước, rồi mới đề xuất ngân hàng giải ngân đúng số vốn mà hộ vay cần, tránh sử dụng vốn vay sai mục đích. Chị không nề hà khó khăn, sẵn sàng giúp các tổ viên lập hồ sơ vay vốn của NHCSXH được dễ dàng, nhanh chóng. “Mỗi khi giúp bà con làm xong một hồ sơ vay vốn, kể cả trường hợp vay 5 hoặc 6 triệu đồng để sản xuất, chăn nuôi là tôi thấy phấn khởi vì mình đã góp phần nhỏ bé cùng mọi người thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống”, chị Luyến tâm sự.
Bên cạnh đó, Tổ trưởng Nguyễn Thị Luyến và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Thanh Yên luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ cũng như họp giao ban đều đặn với NHCSXH từ ý thức của người Tổ trưởng đã tạo được thói quen đến các tổ viên tham gia sinh hoạt tổ định kỳ đều đặn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả, đặc biệt đã tích cực gửi tiền tiết kiệm hằng tháng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, làm cho người vay có ý thức tiết kiệm tạo lập nghiệp vốn tự có và có tiền trả nợ vay đến kỳ hạn.
Với những thành tích trên, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Thanh Yên do chị Nguyễn Thị Luyến làm Tổ trưởng đã là một trong những tổ dẫn đầu về quản lý tốt nguồn vốn chính sách suốt 5 năm liền trên rẻo cao Yên Châu thuộc tỉnh Sơn La.
Bài và ảnh Đông Dư - Lương Xuân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Xứ đạo Nghĩa Hưng đang đổi mới từng ngày
- » Chàng trai nghèo khởi nghiệp từ 15 triệu đồng nấm bào ngư
- » Làm tốt cho dân để dân tin
- » “Luôn sát cánh với người nghèo”
- » Người làm cầu nối nông dân với ngân hàng
- » Triệu phú tuổi đôi mươi
- » Cầu nối giúp người nghèo làng Kà Bưng được vay vốn
- » Niềm vui của chị Tổ trưởng
- » Người Tổ trưởng tiêu biểu
- » Những phụ nữ làm giàu từ chăn nuôi