Xứ đạo Nghĩa Hưng đang đổi mới từng ngày
Trong những ngày cuối tháng 5 hầm hập nóng, theo chân các cán bộ NHCSXH tỉnh Nam Định chúng tôi về xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng - một xã có tới 78% đồng bào theo đạo thiên chúa giáo. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thế Hà, cho biết: Nghĩa Hồng là xã thuần nông, là một trong 9 xã được huyện chọn thí điểm xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2014, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% xuống 3%; vệ sinh môi trường (thu gom, xử lý rác thải) và nâng tỷ lệ BHYT từ 48% lên 70%.
Đến nay, dư nợ vốn vay ưu đãi của xã Nghĩa Hồng đạt gần 12 tỷ đồng, thông qua 18 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên quản lý, đã có trên 550 lượt hộ nghèo được vay vốn, 318 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã khoảng 2%/năm; trên 700 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; giải quyết việc làm cho 543 lao động… đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn toàn xã. Qua kiểm tra hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn cho thấy các món vay đều được giải ngân đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hộ vay trả gốc đúng quy định; tỷ lệ thu nợ, thu lãi đạt 100%.
Hiện nay, xã Nghĩa Hồng đang thực hiện cho vay 6 chương trình, trong đó cho vay nhiều nhất là Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với dư nợ trên 6,4 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng dư nợ toàn xã. Nói về sự học ở xứ đạo, chị Trần Thị Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hồng nêu dẫn chứng: Điển hình như hộ bà Trần Thị Đượm, 54 tuổi ở đội 3, xóm Hồng Thái, cả nhà sống nhờ vào 10 sào ruộng, thêm nghề nấu rượu và chăn nuôi lợn, nhưng nuôi 5 con học đại học. Hiện, gia đình bà Đượm đã vay của Nhà nước trên 100 triệu đồng để cho các con học đại học. “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, việc các con tôi vào đại học là chuyện nằm mơ. Giờ 3 cháu đã ra trường và có việc làm ổn định, tôi đang lên kế hoạch trả nợ dần cho ngân hàng. Có thể nói, vốn chính sách là “bà đỡ” của các con tôi”, bà Đượm tâm sự.
Rời Nghĩa Hồng chúng tôi đến xã Nghĩa Lạc - một xã công giáo toàn tòng. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề như chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp được khuyến khích; nghề trồng nấm được duy trì và phát triển. Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn tiếp cận với nguồn vốn các ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi để giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính đến hết tháng 4/2014, dư nợ toàn xã đạt gần 15 tỷ đồng, với 5 chương trình cho vay. Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều thanh niên của xã có cơ hội “đổi đời”, vươn lên làm giau. Đến nay, xã có hơn 10 mô hình kinh tế của thanh niên có thu nhập 70 - 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, như: mô hình nuôi hươu sao, nuôi nhím của anh Nguyễn Văn Luân ở xóm 1; xưởng may của Nguyễn Thanh Tùng; xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của Phạm Văn Điệp ở xóm 7…
Về xã Nghĩa Lạc, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định, Phạm Văn Thiêm rất ấn tượng với cách làm việc của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 2 Đồng Lạc, Kim Thị Thanh Hải, 44 tuổi, có “thâm niên” gần 10 năm làm Tổ trưởng, Tổ không có nợ quá hạn, không vay xâm tiêu, nộp lãi đúng kỳ… Hỏi kinh nghiệm, chị Hải cho biết: Hiện Tổ có 52 thành viên với tổng dư nợ trên 1,6 tỷ đồng của 5 chương trình. Trong đó, dư nợ cao ở Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên 982 triệu đồng, hộ nghèo 478 triệu đồng… Hằng tháng, Tổ sinh hoạt vào ngày 12, mời Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Hội Phụ nữ tham gia, góp ý cách sử dụng vốn vay của các hộ, bà con nộp tiền lãi và tiền tiết kiệm. Về thu nợ, đối với hộ vay Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đến kỳ trả nợ, Tổ trưởng sẽ thông báo trước 3 tháng, các khoản vay khác thông báo trước 3 tháng. Đến gần ngày thu Tổ trưởng đến tận từng nhà kiểm tra, động viên các hộ trả nợ đúng kỳ hạn.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Phạm Văn Thiêm: “Cách làm này tạo điều kiện cho các hộ vay chủ động nguồn tài chính trả nợ, đồng thời có trách với ngân hàng và cộng đồng thôn, xóm. Xứ đạo Nghĩa Hưng đang đổi mới từng ngày từ những con người cụ thể như Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Kim Thị Thanh Hải”.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chàng trai nghèo khởi nghiệp từ 15 triệu đồng nấm bào ngư
- » Làm tốt cho dân để dân tin
- » “Luôn sát cánh với người nghèo”
- » Người làm cầu nối nông dân với ngân hàng
- » Triệu phú tuổi đôi mươi
- » Cầu nối giúp người nghèo làng Kà Bưng được vay vốn
- » Niềm vui của chị Tổ trưởng
- » Người Tổ trưởng tiêu biểu
- » Những phụ nữ làm giàu từ chăn nuôi
- » Cầu nối cho tín dụng chính sách