Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm ở huyện ven biển Giao Thủy

23/05/2014
(VBSP News) Ngày nay, trên vùng đất Giao Thủy, 1 trong 3 huyện ven biển của tỉnh Nam Định, đã có một mạng lưới tín dụng ưu đãi của NHCSXH hoạt động đều khắp ở 22 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn và 433 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở hầu hết các thôn, xóm. Từ 260 tỷ đồng dư nợ với 8 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai cho vay của NHCSXH huyện Giao Thủy, đã có khoảng 17 nghìn hộ, chiếm 27,4% tổng số hộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn miền biển.
Nông dân Nguyễn Ngọc Khảm phấn khởi giới thiệu đầm nuôi tôm hiệu quả của gia đình được đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi

Nông dân Nguyễn Ngọc Khảm phấn khởi giới thiệu đầm nuôi tôm hiệu quả của gia đình được đầu tư
từ nguồn vốn vay ưu đãi

Trong 4 tháng đầu năm 2014, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Giao Thủy tiếp tục đến với hơn 3.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng, Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã thu hút và tạo việc làm mới cho hơn 300 lao động. Trong đó đáng kể đến các dự án đầu tư hiệu quả, thu hút khá nhiều lao động mới vào làm việc ở các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản ở 9 xã ven biển như Giao Long, Giao An, Giao Hải, Lạc Xuân,… Điển hình như gia đình nông dân Nguyễn Ngọc Khảm ở xóm 1, xã Giao Long, những năm trước đây gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng, nên dù lao động quần quật quanh năm mà cuộc sống vẫn thiếu thốn. Tìm hiểu kỹ về nghề nuôi cá nước ngọt, năm 2009, ông đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện để nuôi cá vược, cá bống tượng trên gần 1ha đất ao đầm hoang hoá thuê thầu của xã. Do chịu khó, kiên trì trong lao động, và tính toán hợp lý trong kinh doanh, lợi nhuận từ ao cá nên kinh tế của gia đình ông Khảm ngày một tăng lên. Đến nay, với nguồn vốn 100 triệu đồng vay lần 2 (năm 2012) của NHCSXH cùng với số tiền tích luỹ sau những vụ nuôi cá bội thu, ông Khảm đã đầu tư chuyển đổi sản xuất, mở rộng trang trại với 2ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2013; trang trại nuôi trồng thuỷ sản mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình ông lãi trên 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Ông Khảm phấn khởi nói với chúng tôi: “Gia đình tôi là khách hàng của NHCSXH nhiều năm rồi. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã tạo đà, tiếp sức để những nông dân như tôi chủ động phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, khai thác ưu thế, tiềm năng vùng đất ven biển”.

Rời trang trại nuôi tôm của ông Khảm, niềm vui như nhân lên khi chúng tôi cùng với những cán bộ NHCSXH đến thăm những hộ đã thoát nghèo, làm ăn khấm khá nhờ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm. Dẫn chúng tôi đi vòng quanh ao nuôi cá giống, anh Đoàn Văn Chánh ở xóm 16, xã Giao Long, chia sẻ: “Nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ nguồn vốn ưu đãi mà chỉ có sự cố gắng, cần cù lao động của bản thân thì gia đình tôi khó có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay. NHCSXH thực sự là vị “cứu tinh” với nông dân nghèo chúng tôi đấy”. Anh Chánh cho biết thêm: Nhiều năm về trước, thu nhập của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay ưu đãi đầu tiên đến với anh là khoản tiền 8 triệu đồng được Hội Nông dân xã bảo lãnh vay của NHCSXH trong năm 2007. Vốn nhỏ, anh chị đầu tư nuôi lợn nái. Chỉ sau 1 năm nhà anh đã có những khoản thu nhập đầu tiên từ việc cung cấp giống, mỗi lần xuất chuồng là một lần tích cóp để vợ chồng nuôi dưỡng “giấc mơ làm giàu”. Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi giúp gia đình anh vượt qua cái nghèo và tính đến chuyện chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi lợn sang nuôi cá nước ngọt. Qua tìm hiểu thị trường và nhu cầu tiêu dùng và xác định nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm là cứu cánh trong sản xuất, kinh doanh, năm 2012, anh Chánh tiếp tục vay 20 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư chuyển đổi mô hình chăn nuôi trên diện tích thầu của xã. Đến nay, cơ ngơi của anh đã có 1,2ha nuôi cá trôi, trắm cỏ, mè hoa và 4 mẫu ao chuyên gây cá giống các loại. Riêng nghề nuôi cá mấy năm qua đã cho gia đình anh Chánh thu lãi ngót 100 triệu đồng/năm. Nếu tính cả nguồn thu nhập của 3 dãy chuồng nuôi thường xuyên có 30 con lợn thịt, 5 con lợn nái và đàn vịt đẻ trứng hơn 500 con, thì thu nhập kinh tế hộ nông dân Đoàn Văn Chánh chắc chắn đứng trong “top đầu” của vùng biển Giao Thuỷ.

Nhận xét về hiệu quả nguồn vốn chính sách, ông Trần Xuân Phòng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Long, cho hay: “Hiện tại, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 15,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chiếm tỷ trọng khá cao, chỉ sau cho vay hộ nghèo và học sinh, sinh viên. Đồng vốn tạo điều kiện cho gần 200 hộ dân khai thác tiềm năng vùng ven biển, phát triển nghề nuôi tôm nước mặn, cá nước ngọt lên 27,7ha với gần 200 tàu thuyền đánh bắt hải sản gần và xa bờ, tạo công ăn việc làm mới cho nhiều lao động, tăng thu nhập gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 11% năm 2011 xuống còn 5,8% hiện nay”.

Bài và ảnh Uyên Khanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác