Điện Biên trong ký ức tôi

07/05/2014
(VBSP News) Ngay từ những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, nhân dân cả nước ta luôn luôn phấn khởi hướng về chào đón các ngày đại lễ, kỷ niệm lớn của đất nước. Trong đó, ngày 7/5 - ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp từ Bắc chí Nam đã, đang và sẽ tổ chức nhiều sự kiện, cuộc Hội thảo, Liên hoan văn nghệ, Tham quan du lịch, Hướng về cội nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, Ghi nhận chiến tích mà các bậc tiền bối, đồng nghiệp, đồng niên đã để lại cho các thế hệ mai sau.
Tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Điện Biên kịp thời đưa về cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa

Tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Điện Biên kịp thời đưa về cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa

Với tôi, dấu ấn trận chiến thắng Điện Biên Phủ được chứng kiến hơi muộn mằn nhưng cũng không thể nào quên. Đó là, đúng một năm sau khi tách khỏi tỉnh Lai Châu (2003) để thành lập tỉnh Điện Biên, tôi mới được Ngân hàng Phục vụ người nghèo thuộc NHNo&PTNT Việt Nam tổ chức cho một chuyến đi công tác 7 ngày lên tỉnh Điện Biên. Đây cũng là chuyến đi duy nhất trong cả cuộc đời làm báo của tôi đối với vùng quê Tây Bắc núi non trùng điệp. Điện Biên Phủ anh hùng, có hơn 400,8km đường biên giới giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc. Mặc dù, chỉ cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 500km nhưng xe ô tô Đoàn công tác của chúng tôi phải lăn bánh 2 ngày từ thủ đô Hà Nội mới tới được thị xã (nay là thành phố) Điện Biên Phủ. Đèo núi chập trùng, bản, làng thưa thớt nhưng mà vui và rất đáng tự hào. Bởi chính những nơi đây, đồng bào của 19 dân tộc thiểu số, đông nhất là dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông gần 35%, dân tộc Kinh 18,5%, dân tộc Khơ Mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác; đời sống cộng đồng lúc đó còn đang khó khăn gấp bội bây giờ, nhưng lại chính là nơi che chở, bảo vệ cho hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ của ta an toàn, đánh thắng kẻ thù thực dân Pháp xâm lược.

Một ngày, sau khi đi thăm quan khu hầm trú ẩn, đồng thời cũng là nơi ăn, ngủ, giao ban, làm việc của Bộ chỉ huy quân sự và của Đại tướng nguyên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; thắp nét hương tưởng niệm tại Đài chiến thắng giặc Pháp ở đồi A1, du lịch quanh cánh đồng Mường Thanh - Hồng Cúm - Him Lam… Đoàn công tác chúng tôi lại đi về các huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Tủa Chùa, cửa khẩu Tây Trang… để làm nhiệm vụ chính sách của mình là đánh giá hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn trong những năm qua và định hướng cho thời gian tới. Cái nghèo khó của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng, thực sự gấp bội lần cái nghèo, cái khó của các tỉnh miền xuôi. Nghèo về miếng ăn đã đành, lại còn nghèo về cảnh quan sum họp, giao lưu cộng đồng; đường sá đi lại chật hẹp, quanh co. Phương tiện giao thông nghèo nàn, xe đạp thì nhà có, nhà không; điện thắp sáng cũng chưa kéo tới được từng hộ gia đình. Vì thế, huyện gần Đoàn công tác chúng tôi có thể đến khảo sát, hỏi chuyện làm ăn, sử dụng vốn vay, có thể được dăm, ba gia đình và một vài doanh nghiệp siêu nhỏ; còn lại, với các xã, huyện ở xa thì chỉ được vài, ba gia đình tiêu biểu mà thôi. Gần như phổ biến, ở đâu có đồng vốn tín dụng ưu đãi, ở đó các hộ nghèo đều tập trung vào chăn nuôi lợn, gà hoặc trâu, bò, khai hoang nương rẫy để trồng sắn, trồng ngô. Nơi nào có ít ruộng bậc thang thì trồng lúa đặc sản. Ngành nghề phụ để có sản phẩm hàng hóa ra chợ, đưa về xuôi thì hầu như còn xa vời. Được vay vốn ít thì làm ăn nhỏ, phù hợp với quy mô và khả năng hấp thụ của dự án từng doanh nghiệp, hộ sản xuất… Góp gió thành bão, thời gian nối tiếp thời gian, liên tục trong vòng gần 12 năm trở lại đây, hộ nghèo vùng cao tỉnh Điện Biên, cơ bản làm ăn suôn sẻ, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hằng năm ưu tiên cho tỉnh Điện Biên - tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn, (110 xã/tổng số 130 xã) đã và đang được NHCSXH phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể xem xét, bình chọn, thống nhất đưa vốn đến tận tay các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn sử dụng làm ăn suôn sẻ, cơ bản trả nợ đều đặn, đúng kỳ hạn. Cái đói, cái nghèo của toàn tỉnh hiện chưa thực sự được đẩy lùi nhưng những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều gương sáng về vay vốn chính sách đã làm ăn thành đạt. Điều đó, được chứng minh qua cuộc sống của một số gia đình tiêu biểu như: chị Quàng Thị Thoan ở bản Noong Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo. Năm 2012 chị được vay 30 triệu đồng hộ nghèo, đầu tư nuôi lợn sinh sản. Năm 2013, trừ mọi chi phí, gia đình chị Thoan còn thu được gần 80 triệu đồng; tương tự, hộ nghèo Quảng Thị Ương, năm 2011 được NHCSXH xét duyệt cho vay 30 triệu đồng, chị đem số tiền đó mua 2 con trâu (1 để cày kéo, 1 để sinh sản), sau hai năm có nghé bán ra thị trường. Chị dùng tiền bán nghé đầu tư vào việc đào ao thả cá, chăn nuôi gia cầm; với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hiện nay gia đình chị Ương đã có chút của ăn, của để, nuôi các con ăn học. Rồi ở huyện Tuần Giáo, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với NHCSXH cùng xây dựng quy chế phối hợp, thành lập được 69 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản. Năm 2013, toàn huyện đã có 2.585 hộ nông dân nghèo được vay vốn thực hiện sản xuất, kinh doanh, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường,… Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Tuần Giáo đạt hơn 54 tỷ đồng. Đến xã vùng cao Tỏa Tình, ông Mùa A Lầu, hội viên nông dân cho hay: Nhờ có đồng vốn chính sách mà chăn nuôi gia súc, gia cầm trong xã tăng nhanh, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp. Tết Giáp Ngọ vừa qua các gia đình trong xã Tỏa Tình đã vui vẻ hơn nhiều. Ở huyện Điện Biên Đông, hiện có 14 cơ sở Hội Phụ nữ, với 9.450 hội viên. Trong đó số hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn chiếm 52% (2011 - 2012), cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, xay xát lúa gạo, chế biến tinh bột chăn nuôi, vừa để sử dụng, vừa bán ra thị trường. Nhờ vậy, trong 3 năm qua, Điện Biên Đông đã có 145 hội viên thoát nghèo. Năm 2014 này, hội đạt mục tiêu giúp đỡ 80 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế toàn diện, rút khỏi tốp nghèo của huyện. Còn ở huyện Mường Nhé, theo Chủ tịch Hội LHPN, Lò Thị Thanh: “Với hoạt động ủy thác vay vốn từ NHCSXH, hiện nay tổng dư nợ do hội quản lý đạt trên 28 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hằng năm các đối tượng vay vốn đã biết cách sử dụng phù hợp với khả năng, hoàn cảnh và cách làm ăn hiệu quả của gia đình mình (phổ biến là nuôi cá, nuôi lươn, phát triển gia súc, gia cầm…) cho nên hằng năm, Mường Nhé thường có trên 600 hộ cơ bản giảm được nghèo, theo đó có nhiều hội viên là điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện nhà. Tương tự, ở huyện Mường Chà, một trong nhiều điển hình được vay vốn ưu đãi làm ăn hiệu quả là gia đình chị Quàng Thị Mai ở Tổ dân phố 3, thị trấn Mường Chà. Năm 2008, chị được vay 30 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt. Chỉ sau 1 năm, gia đình đã trả hết nợ ngân hàng, lại nuôi tiếp đàn lợn khác. Tính ra, đến nay gia đình chị Quàng Thị Mai đã xuất ra thị trường từ 5 - 7 tấn lợn thịt/năm, thu lợi nhuận ròng trên dưới 60 triệu đồng. Hội LHPN huyện Mường Chà đã và đang nhân rộng các điển hình tiên tiến sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách vào cuộc sống, cùng vươn lên làm giàu, cải thiện đời sống cho chính mình và theo đó là góp phần sớm cải thiện, tăng thu ngân sách cho địa phương…

Vốn vay chính sách giúp đồng bào dân tộc Thái có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Vốn vay chính sách giúp đồng bào dân tộc Thái có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Thực sự, trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể nào thống kê, ghi chép hết gương sáng của hàng chục, hàng trăm hộ nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên được vay vốn ưu đãi làm ăn cải thiện đời sống, thoát cảnh đói nghèo. Theo báo cáo, sau 11 năm đi vào vận hành độc lập (tách khỏi NHNo&PTNT), NHCSXH tỉnh Điện Biên đã đưa đồng vốn ưu đãi kịp phục vụ tốt 11 chương trình theo quy định của Chính phủ, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là nông thôn các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Hơn 55 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh (chiếm 50% tổng số hộ) được vay vốn làm ăn để giảm nghèo, ổn định cuộc sống, gắn bó với mảnh đất quê hương; 72 nghìn lượt lao động được tạo thêm việc làm mới. Trong đó, gần 600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 14 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng mới gần 5 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và 13 nghìn ngôi nhà ở mới cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt gần 1.540 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, dưới 2%/tổng dư nợ. Tỷ lệ thu lãi hằng năm đạt trên 95%. Trong tổng số hơn 54.610 hộ nghèo được vay vốn làm ăn đã có 11 nghìn hộ thoát nghèo. Tổng số hộ còn lại, tuy chưa thoát nghèo nhưng cơ bản đời sống cũng đã được cải thiện đáng kể. Rõ ràng, việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng, chương trình trên địa bàn tỉnh nghèo Điện Biên đã có nhiều tín hiệu tích cực đáng mừng, góp phần cùng cả nước lập thành tích chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ anh hùng.

Bài và ảnh Hữu Hạnh - Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác