Hào khí Điện Biên Phủ sống mãi

“Mỗi địa danh trên cung đường hướng về Điện Biên đều chứa trong mình ký ức lịch sử hào hùng, chiến thắng vẻ vang năm xưa. Dấy lên trong mỗi chúng tôi niềm tự hào và biết ơn sâu sắc với thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc” - đó là cảm nhận chung của gần 60 cán bộ đoàn viên công đoàn và thanh niên ưu tú đại diện cho cán bộ, viên chức và người lao động đang công tác tại các Ban chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở chính, Trung tâm CNTT, Trung tâm Đào tạo và Sở giao dịch NHCSXH được vinh dự tham gia “hành trình” về thăm lại vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Về với mảnh đất Anh hùng

“Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây gần 60 năm được đánh giá là “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu” và di tích Điện Biên Phủ đã được xếp hạng 23 di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia.

Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 55 ngày đêm, quân đội ta đã đánh bại hoàn toàn quân địch tại Điện Biên Phủ và bắt sống tướng Đờ Cát, chỉ huy cao nhất của quân Pháp vào ngày 07/5/1954”.

 

Rời thủ đô Hà Nội trong khí thế rạo rực, hào hứng, đoàn chúng tôi thẳng tiến theo Quốc lộ 6 - con đường huyết mạch dẫn lên tỉnh Điện Biên.

Tỉnh Điện Biên nằm cách Hà Nội hơn 500km về hướng Tây Bắc. Nơi đây được coi là biểu tượng muôn đời về tinh thần vùng lên tự giải phóng của các dân tộc bị cường hào, áp bức; đồng thời còn là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự gắn liền với tên tuổi Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trận đánh đã ghi dấu trong lịch sử quân sự thế giới.

Vượt qua đèo Pha Đin quanh co, chênh vênh, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm, khiến cho chúng tôi càng thấy xúc động và càng thêm kính phục khi nghĩ về hình ảnh các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ và đồng bào ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hành quân nhiều ngày đêm, vượt mọi gian nan, vất vả để vận chuyển lương thực, thuốc men và cả những khẩu pháo phục vụ cho chiến dịch.

“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ

Vừa đặt chân đến TP. Điện Biên, cái mệt sau chặng đường dài trong chúng tôi dường như tan biến, thay vào đó là không khí trang nghiêm và vô cùng xúc động khi viếng thăm Nghĩa trang liệt sỹ TP. Điện Biên Phủ. Trong khói hương trầm mặc, tất cả đều lặng người trước hàng nghìn ngôi mộ của các chiến sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó có ngôi mộ của các Anh hùng đã đi vào lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can… nhưng cũng có rất nhiều ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên.

Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình là Sở chi huy chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc Khu di tích lịch sử Mường Phăng. Sở chi huy nằm trong khu rừng nguyên sinh hay còn được bà con nơi đây gọi một cách trìu mến là “Rừng Đại Tướng” - với hơn 200ha rừng rậm rạp, xanh bạt ngàn của những cây rừng cổ thụ vươn cao kiêu hãnh một vùng trời, nơi đây từng che chở cho bao cán bộ, chiến sĩ ta trong những ngày kháng chiến mà theo như nhà thơ Tố Hữu từng miêu tả đó là những tháng ngày: “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non”.

Chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ dẫn vào Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây từng là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu Hoàng Văn Thái… Nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử tiêu biểu.

“Về thăm Điện Biên hôm nay, đi giữa cánh rừng nguyên sinh của Khu di tích lịch sử Mường Phăng, ký ức về một thời kỳ chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, hào hùng của dân tộc như sống lại trong lòng mỗi thế hệ trẻ chúng tôi”, đoàn viên ưu tú Lê Tú Anh - Ban Kế toán quản lý tài chính cùng nhiều đoàn viên trong đoàn tự hào, xúc động và chia sẻ.

Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm đồi A1 - nơi được coi là quả đồi Chiến Công. Đồi A1 nằm ở Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Theo sử sách, trận đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Phải tới ngày 06/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mới hoàn tất việc đánh chiếm quả đồi này.

Đến thăm nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội làm chấn động địa cầu giờ đây đã trở thành bất tử.

60 năm là một thời gian dài, nhưng không khí rạo rực của phút giây chiến thắng đó dường như vẫn còn vẹn nguyên tại Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát. Tại đây, vào lúc 17h30’ ngày 07/5/1954, đồng chí Tạ Quốc Luật - Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc và lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm, tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên.

Chiến tranh đã trải qua nhiều mùa hoa ban nở, song trong tâm trí của thế hệ trẻ NHCSXH hôm nay vẫn mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người con đã anh dũng hy sinh để làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.

Cùng trên cung đường từ Tây Bắc trở về thủ đô, đoàn đã vào thăm Khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Năm xưa, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng chính tại nơi đây, hơn bao giờ hết khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản đã đi vào lịch sử như đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và nhiều đồng chí trung kiên khác.

Đậm sâu nghĩa tình

Nằm trong chương trình hành trình về thăm lại mảnh đất lịch sử, đoàn đã tới thăm và tìm hiểu thực tế tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà (Điện Biên). Là xã vùng cao biên giới, bà con sinh sống nơi đây chủ yếu là dân tộc H’Mông chiếm tới 50%, còn lại là dân tộc Thái và Khơ Mú, vì thế đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao, chiếm tới 61%.

Những năm qua, mặc dù được Nhà nước chú trọng quan tâm, nhưng do địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, giao thông đi lại khó khăn, thêm vào đó, dân cư còn nghèo nàn nên cơ sở vật chất cho giáo dục vẫn còn thiếu thốn.

Trước những yêu cầu cấp thiết về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng cho mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học tốt hơn cho con em các dân tộc trong vùng; đồng thời tiếp tục các hoạt động hỗ trợ An sinh xã hội đối với tỉnh Điện Biên, Công đoàn Hội sở chính, Đoàn Thanh niên NHCSXH Trung ương đã trích từ quỹ An sinh xã hội 30 triệu đồng để ủng hộ kinh phí sửa chữa Trường tiểu học số 1 Mường Mươn. Đây cũng là ngôi trường được NHCSXH tỉnh Điện Biên “đỡ đầu” kể từ năm 2007 đến nay.

Hành trình thăm lại chiến trường xưa đã kết thúc, để lại những dư âm sâu sắc, khó quên trong mỗi chúng tôi. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm của thế hệ thanh niên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi là một phần quan trọng trong hành trang của thế hệ trẻ hôm nay để thực hiện như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn: “Cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”. Hơn thế nữa, tuổi trẻ NHCSXH quyết tâm đem hết mình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói riêng và hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước nói chung.