Mường Ảng giảm nghèo theo địa chỉ

02/05/2014
(VBSP News) Huyện Mường Ảng được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Tuần Giáo thành 2 huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng từ ngày 01/4/2007, gồm 9 xã, 1 thị trấn, 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, với dân số hơn 4,2 vạn người. Mấy năm nay, quyết liệt trong công tác giảm nghèo, Mường Ảng đang quyết tâm xóa “ngôi đầu bảng” huyện nghèo nhất tỉnh Điện Biên.
Áp dụng KHKT, đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng thâm canh giống lúa chịu hạn

Áp dụng KHKT, đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng thâm canh giống lúa chịu hạn

Theo lời kể của Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, Nguyễn Hữu Hiệp, khi mới thành lập huyện có trên 70% hộ nghèo. Do nghèo “đại trà”, trong chỉ đạo huyện lại chưa có kinh nghiệm nên công tác giảm nghèo bị cào bằng. Sau năm 2010, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm… Từ thực tế, huyện đã rà soát, thống kê và phân tích nguyên nhân dẫn đến đói nghèo trên địa bàn, chủ yếu do thiếu đất, thiếu vốn và chưa biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất (chiếm khoảng 68%), Mường Ảng chủ trương thực hiện biện pháp “giảm nghèo theo địa chỉ”. Nhờ đó mà con số hộ nghèo, hộ thoát nghèo hằng năm được xác định rõ ràng ngay từ đầu năm không mù mờ… chờ cuối năm như trước đây. Còn vì sao lại gọi là “giảm nghèo theo địa chỉ” ông Hiệp giải thích: Đó là chỉ tiêu cụ thể huyện giao cho từng xã, xã giao về từng thôn, bản rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm cách hỗ trợ sát thực, hiệu quả, như hỗ trợ sản xuất (giống cây trồng, vật nuôi), hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, tăng vụ; xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Theo thứ tự ưu tiên, hộ nào có điều kiện thoát nghèo và ý chí thoát nghèo thì hỗ trợ trước, còn hộ nào điều kiện yếu hơn thì hỗ trợ sau, chứ không thể làm ồ ạt, cào bằng. Tránh hộ nghèo “ngồi nhầm chỗ”, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm được huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đúng quy trình, đảm bảo chính sách giảm nghèo được hỗ trợ đúng đối tượng. Nhờ cách làm này, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Ảng còn 42,22%, giảm 26,2% so với năm 2011. Tuy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng đó là con số ấn tượng, là thành công không nhỏ, khẳng định quyết tâm giảm nghèo của một huyện xuất phát điểm còn thấp như Mường Ảng.

Là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, chương trình 135 của Chính phủ được thực hiện tất cả các xã ở Mường Ảng từ năm 2007 đến nay. Đi đôi với hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã đầu tư xây dựng gần 60 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: hệ thống điện, đường, trường, trạm… ở hầu khắp các xã trên địa bàn, với tổng số vốn được giải ngân gần 70 tỷ đồng. Tính đến năm 2014 này, hầu hết các công trình được đầu tư xây dựng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết những khó khăn về đường giao thông, nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; phòng học, nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh bán trú, tạo tiền đề quan trọng đáp ứng yêu cầu công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài nguồn vốn các chương trình, dự án của Chính phủ, Mường Ảng tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, người nghèo tiếp cận với các chính sách tín dụng ưu đãi. Tính đến 31/3/2014, toàn huyện có 10.034 hộ đang còn vay vốn ưu đãi tại NHCSXH, với tổng dư nợ trên 176,5 tỷ đồng góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo trên địa bàn, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên làm ăn khá giả.

Tống Văn Cường ở bản Co Hắm, xã Ảng Nưa sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 2008, thông qua Đoàn Thanh niên, anh vay 30 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn anh em, bạn bè anh đầu tư, cải tạo 4ha đất đồi hoang hóa do cha ông để lại cách nhà hơn 2km thành một trang trại. Đất đồi anh trồng cà phê, chỗ nào bãi thoải và bằng phẳng khai hoang thành ruộng bậc thang, chỗ trũng không gieo cấy được đắp đập làm ao thả cá. Sau gần 7 năm vượt khó, hiện nay anh đã có hơn 3ha cà phê cho thu hoạch năm thứ 2; gieo cấy hơn 5.000m2 ruộng bậc thang, để có nước gieo cấy được 2 vụ, anh đầu tư mua ống dẫn nước từ nguồn về dài hơn 1km. Chỗ trũng anh đắp đập làm 3 ao thả cá rộng gần 1ha. Có vốn, anh còn mua thêm 12 con trâu, bò chăn nuôi. Trang trại tổng hợp của Tống Văn Cường hàng năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Tống Văn Cường chỉ là một trong những mô hình trang trại lập nghiệp từ vốn vay ở xã Ảng Nưa. Tính đến nay, Mường Ảng đã xây dựng được trên 200 mô hình sản xuất các loại. Năm 2014, huyện đặt mục tiêu phấn đấu giảm nghèo từ 5 - 6%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 42,2% năm 2013 xuống dưới mức 38,7%. Góp sức cùng huyện, NHCSXH huyện Mường Ảng đang cùng bà con các dân tộc đi tới đích giảm nghèo.

Bài và ảnh Minh Quốc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác