Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2005 - 2012

25/04/2014
(VBSP News) Sáng 25/4/2014, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành phiên chất vấn giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2005 - 2012.
Quang cảnh phiên họp giải trình

Quang cảnh phiên họp giải trình

Phiên họp do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, điều khiển.

Dự phiên họp có đại diện lãnh đạo nhiều Ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ngành liên quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động, Thương binh và xã hội; Ủy ban Dân tộc; Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, NHNN, NHCSXH…

Chính sách chưa đồng bộ

Phát biểu khai mạc phiên họp giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định với quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân cả nước và đồng bào dân tộc thiểu số cũng như người nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng”, bà Trương Thị Mai nêu rõ.

Bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết vấn đề giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang là một vấn đề cần phải có sự quan tâm tập trung mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số người nghèo của cả nước.

Về quy mô, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, nhưng có khoảng 47% trong tổng số người nghèo (số liệu báo cáo năm 2010).

Năm vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở mức cao, đó là: Duyên hải nam Trung Bộ 78,4%; Tây Nguyên 76,6%; miền núi Tây Bắc 72,8%; duyên hải bắc Trung Bộ 71,2%; miền núi Đông Bắc 64,8%.

“Tỷ lệ nghèo thuộc đối tượng này của bà con tại các xã, huyện đặc biệt khó khăn có nơi lên tới 70 - 80% hộ nghèo”.

Tại phiên giải trình này, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành là thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội chất vấn đặt câu hỏi, làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý ở các cấp từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện công tác quản lý về giảm nghèo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trong phiên giải trình

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trong phiên giải trình

Theo ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Việc cân đối, bố trí nguồn lực cho các chính sách chưa được chủ động, việc cấp vốn chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt, các chính sách Dân tộc giai đoạn 1 và 2 chưa có chính sách nào được ban hành mà được bố trí nguồn lực đủ 100% theo đúng chương trình được duyệt, cao nhất chỉ đạt 55%.

Đa số các địa phương vùng dân tộc miền núi là các tỉnh nghèo nên không đảm bảo được nguồn kinh phí đối ứng, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương. “Cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, theo đặc thù từng vùng miền”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử kiến nghị.

Tín dụng chính sách - Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo

Tại phiên họp, nhiều vị đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Liên quan đến vấn đề cơ chế cho vay của tín dụng chính sách, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến - Uỷ viên Hội đồng quản trị NHCSXH cho biết: Hiện, NHCSXH đang thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó thực hiện cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong chương trình cho vay của hệ thống NHCSXH với tổng dư nợ trên 124 nghìn tỷ đồng cho rất nhiều chương trình; cùng với 12 chương trình được thực hiện theo các Quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ thì đặc biệt có 3 chương trình trực tiếp dành cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đó là: Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 74 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1592 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (nay Chương trình được thay thế bằng Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015), tất cả các chương trình này NHCSXH đã thực hiện triển khai hiệu quả.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến - Uỷ viên Hội đồng quản trị NHCSXH giải trình tại phiên họp

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến - Uỷ viên Hội đồng quản trị NHCSXH giải trình tại phiên họp

“Đến 31/12/2012 dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 22.911 tỷ đồng, chiếm 20% trong tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, với trên 1,7 triệu khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 13,5 triệu đồng/khách hàng (bình quân dư nợ chung của cả nước là 14,5 triệu đồng/khách hàng). Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ dưới 1%”.

Liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số đã được vay hay chưa và cơ chế, thủ tục cho vay, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm: Trong quá trình làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội, về phía NHNN cũng như hệ thống NHCSXH đã có nhiều lần làm việc với Đoàn giám sát và đoàn cũng đã trực tiếp làm việc tại địa phương và đánh giá cao về hiệu quả của cơ chế hoạt động của NHCSXH. Hiện, NHCSXH có trên 9.000 cán bộ, viên chức và có cơ chế hoạt động xuống đến cấp huyện và 100% số xã đều có Điểm giao dịch - đây là nơi để hằng tháng các đối tượng đến vay vốn và trả nợ cũng như nắm bắt các thông tin và thủ tục quy trình cho vay, các chính sách mới đều được niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch.

Bên cạnh đó, quá trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng như đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều được thực hiện tại cơ sở thông qua các Tổ tiết kiệm vay vốn của các hội, đoàn thể và các tổ sẽ tiến hành họp bình xét công khai, dân chủ xem xét các đối tượng đã phù hợp hay chưa, các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên sẽ tham gia giám sát việc vay vốn xem có đúng đối tượng được vay vốn hay không, còn NHCSXH sẽ thực hiện nhiệm vụ giải ngân và thu nợ. Với cơ chế như vậy, có thể nói rằng cơ chế cho vay, thu nợ và kiểm tra được triển khai tích cực. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám khẳng định trong một số trường hợp nào đó vẫn còn sai sót trong quá trình này, còn có những sai phạm nhất định thì hằng năm trong quá trình kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị NHCSXH cũng đều xử lý, khắc phục vấn đề này”, Phó Thống đốc khẳng định.

Tiếp lời Phó Thống đốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm: “Vừa qua, các Đoàn giám sát của Quốc hội qua giám sát trong hệ thống các chính sách về giảm nghèo đã ghi nhận chính sách tín dụng cho người nghèo là một trong 4 điểm sáng về chính sách giảm nghèo. Trong giai đoạn 2005 - 2012, đã có gần 20 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn; 2,4 triệu lượt hộ nghèo thoát nghèo; tỷ lệ nợ quá hạn hầu như không có. Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá rất cao hoạt động tín dụng ưu đãi được NHCSXH triển khai thực hiện”.

1

Ngoài ra, các đại biểu tham dự phiên họp cũng đã nêu lên nhiều vấn đề về trách nhiệm lãnh đạo, quản lý ở các cấp từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện công tác quản lý về giảm nghèo, chính sách dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo,…

Vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng chính sách ở tất cả các thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc... Nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc có thêm cơ hội tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư mua cây con giống, vươn lên tìm hướng thoát nghèo, đã góp phần quan trọng giúp cho hơn 1 triệu hộ thoát nghèo

Vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng chính sách ở tất cả các thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc… Nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc có thêm cơ hội tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư mua cây con giống, vươn lên tìm hướng thoát nghèo, đã góp phần quan trọng giúp cho hơn 1 triệu hộ thoát nghèo

Hải Trang Ngọc thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác