Tạo chuyển biến trong quản lý vốn ưu đãi

17/04/2014
(VBSP News) Đầu năm 2013, tỉnh Thanh Hoá cùng với Bắc Giang và Long An được chọn thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Sau 1 năm triển khai thực hiện chủ trương này, việc quản lý vốn tín dụng ưu đãi ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) được vay vốn chính sách đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả Ảnh: VBSP News

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) được vay vốn chính sách đầu tư
phát triển kinh tế hiệu quả
                                                                                                                                                          Ảnh: VBSP News

Bà Lê Thị Hoa - Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá), cho biết: Từ khi tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, bà bận rộn hơn. Hằng tuần, bà đều dành thời gian kiểm tra tình hình sử dụng vốn ưu đãi, trả nợ, trả lãi, củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ chức nhận cho vay ủy thác trong quá trình đôn đốc thu hồi nợ nếu gặp vướng mắc đều được chị trực tiếp chỉ đạo, đưa ra hướng giải quyết. Trước đây, công việc này do một Phó Chủ tịch UBND thị trấn đảm nhiệm, nay được đặt lên vai người đứng đầu chính quyền cơ sở trách nhiệm có phần nặng nề hơn. Song có sự sát sao của Chủ tịch thị trấn, Trưởng các thôn cũng đã tích cực hơn trong việc phối hợp với hội, đoàn thể bình xét hộ vay vốn, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn và thu hồi nợ. Là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, các Chủ tịch UBND cấp xã được dự họp trực tiếp trong mỗi kỳ giao ban, nắm bắt chi tiết những nội dung do cấp trên chỉ đạo, có những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu trao đổi ngay tại hội nghị nên việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi nhanh và thuận lợi hơn. Được biết, tháng 3/2013 (thời điểm bắt đầu thực hiện thí điểm Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện), toàn thị trấn Lang Chánh có khoảng 100 triệu đồng nợ quá hạn; đến nay, giảm còn hơn 20 triệu đồng của 3 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với thị trấn, từ cuối tháng 3/2013, Chủ tịch UBND của 10 xã trên địa bàn huyện Lang Chánh đã trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Do có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu, hiệu quả phối hợp giữa chính quyền cơ sở với NHCSXH được nâng lên, một số xã gần đây không phát sinh nợ quá hạn mới.

Tỷ lệ nợ quá hạn của Thanh Hoá từ 0,8% giảm xuống còn dưới 0,6%, toàn tỉnh hiện có 89 xã không có nợ quá hạn Ảnh: VBSP News

Tỷ lệ nợ quá hạn của Thanh Hoá từ 0,8% giảm xuống còn dưới 0,6%, toàn tỉnh hiện có 89 xã không có nợ quá hạn
                                                                                                                                                 Ảnh: VBSP News

Đến đầu tháng 4/2014, tỉnh Thanh Hóa có gần 350 nghìn khách hàng vay vốn chính sách với tổng dư nợ trên 6.800 tỷ đồng. Dư nợ tập trung ở một số chương trình tín dụng lớn như: cho vay hộ nghèo chiếm 40,1%, học sinh, sinh viên chiếm 28,9%, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn chiếm 10,5%… Từ khi thực hiện thí điểm mô hình Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã nâng cao hiệu quả của việc quản lý, xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời tới tận thôn, bản. Tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,8% giảm xuống còn gần 0,6%, toàn tỉnh hiện có 89 xã không có nợ quá hạn. Quan trọng hơn là việc quản lý vốn tín dụng chính sách đã được quan tâm thường xuyên và chỉ đạo sâu sát. Chủ tịch UBND xã đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi và đối tượng thụ hưởng, tổ chức họp phân bổ vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương; chỉ đạo rà soát, xác nhận đúng hộ xin vay, bảo đảm đưa vốn đến đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả. Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém đã kịp thời được sự chỉ đạo kiện toàn củng cố nâng cao chất lượng hoạt động; các chủ trương, chính sách mới được triển khai nhanh chóng, kịp thời đến Ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện ở một số nơi, một số Chủ tịch UBND cấp xã chưa dành nhiều thời gian cho việc phối hợp quản lý vốn tín dụng ưu đãi vì phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa sâu sát tình hình giải ngân, thu hồi nợ. Khắc phục hạn chế này, thời gian tới, đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện của tỉnh Thanh Hoá thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của các thành viên, kịp thời nhắc nhở những cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ; tiếp tục nắm bắt thuận lợi, vướng mắc phát sinh ở cơ sở, tổng hợp tình hình để có căn cứ đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc thời gian thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.

Khánh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác