Hà Tĩnh đơn vị dẫn đầu về chất lượng tín dụng ưu đãi

07/04/2014
(VBSP News) Với sự đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn đã làm cho kênh vốn tín dụng ưu đãi ở tỉnh Hà Tĩnh được vận hành nhanh chóng, hiệu quả, chất lượng hơn, đồng thời cũng là thành tích nổi bật để NHCSXH của khu vực bắc miền Trung này trở thành đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua toàn hệ thống NHCSXH 3 năm liền (2011 - 2013).
Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh là các Điểm giao dịch xã hoạt động ngày càng hiệu quả

Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh là các Điểm giao dịch xã hoạt động ngày càng hiệu quả

Theo ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, những năm gần đây, thông qua vai trò tham mưu, NHCSXH đã tranh thủ tốt sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Nhiều cuộc họp trực tuyến chuyên đề về tín dụng chính sách do UBND tỉnh tổ chức với nội dung là chỉ rõ những tồn tại trong công tác thu hồi nợ quá hạn, bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi. Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện cho vay đến thu hồi những khoản nợ khó đòi, lãi tồn đọng.

Song song đó, NHCSXH từ tỉnh đến các huyện, thị xã đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác chặt chẽ, thiết thực hơn với nội dung cụ thể như thẩm định chính xác các đối tượng vay vốn, giám sát các chỉ số thường xuyên và tập trung thu hồi số nợ quá hạn. Đây chính là cơ sở để NHCSXH liên tục tăng tỷ lệ dư nợ uỷ thác thông qua các hội, đoàn thể lên 99,4% vào thời điểm cuối năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nhận xét: Định kỳ hằng tháng, Hội Nông dân các cấp và NHCSXH cấp huyện hop giao ban đánh giá kết quả và chấn chỉnh những sai sót; đồng thời, cũng tiến hành kiểm tra, giám sát tại cơ sở vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi nhằm trực tiếp thẩm định tác dụng của nguồn vốn vay và tránh các nguy cơ thất thoát ngay từ đầu. Ở những nơi xảy ra rủi ro nguồn vốn, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đã cùng cán bộ NHCSXH đến trực tiếp xem xét chia sẻ trách nhiệm và xử lý. Nhờ đó, tuy số dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Nông dân chiếm cao, hơn 44% tổng dư nợ của NHCSXH nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chiếm rất thấp, chỉ có 0,12%.

Còn đối với Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH các cấp ở Hà Tĩnh đã luôn coi trọng củng cố chất lượng hoạt động và kịp thời thay thế các Ban quản lý yếu kém. Nhờ đó, hiện nay toàn tỉnh có 94,3% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá, 5,7% tổ thuộc loại trung bình, không có tổ nào hoạt động yếu, kém, góp phần quan trọng chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Anh Hồ Xuân Kiên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lê Lợi, xã Kỳ Liên, cho biết, hiện tổ do anh phụ trách có 48 thành viên đã vay trên 1 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Kỳ Anh. Việc bình xét cho vay bảo đảm công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Tổ được Hội Nông dân và NHCSXH động viên hướng dẫn hoạt động đã duy trì họp định kỳ hằng tháng để nắm bắt tình hình sử dụng vốn của từng hộ. Đồng thời, vận động, nhắc nhở mọi người trả nợ, trả lãi đúng hạn để đảm bảo đủ điều kiện được tiếp tục vay vốn theo quy định. Nhờ vậy mà tổ không có nợ quá hạn.

Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, vì đó là các Điểm giao dịch xã hoạt động ngày càng hiệu quả. Với việc tăng cường cơ sở vật chất, công khai rộng rãi các chính sách, văn bản liên quan đến tín dụng ưu đãi tại Điểm giao dịch đã tạo thuận lợi cho nhân dân tiếp cận thuận lợi vốn vay và ý nghĩa cao trong việc sử dụng vốn vay cũng như trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng.

Điển hình là xã Thạch Hội thuộc huyện ven biển Thạch Hà đã được chọn làm xã điểm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết: 3 năm tham gia thực hiện thí điểm Đề án, xã Thạch Hội đã có khá nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay hơn 20 tỷ đồng của 6 chương trình tín dụng ưu đãi. Mặc dù, với số tiền vay lớn như vậy, nhưng hầu hết các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, đạt kết quả trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đầu tư việc học hành cho con cái cũng như xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, cả xã không có nợ quá hạn; chỉ duy nhất trong năm 2012 do mùa mưa bão kéo dài gây thiệt hại tới mùa màng, tài sản, nên một số hộ dân gặp khó khăn trong việc nộp lãi, nhưng bà con chòm xóm, và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã đoàn kết, giúp đỡ cho vay tạm thời để trả lãi đúng kỳ hạn.

“Nhờ vay vốn của NHCSXH, gia đình tôi đã đầu tư thành công mô hình nuôi tôm trên cát, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Vì nguồn vốn ưu đãi giúp đỡ người dân thoát nghèo, làm ăn sinh lời nên mọi người đều rất quan tâm đến nghĩa vụ có vay, có trả, mà phải là trả nợ, lãi đầy đủ, đúng hạn”, anh Lê Thế Miết ở thôn Trưng Trắc, xã Thạch Hội tâm sự.

Đi lên từ những bài học đắt giá trong công tác quản lý trước đây, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mối đoàn kết trong toàn đơn vị, tạo sự đồng thuận cho sự đổi mới căn bản trong quản lý điều hành. Nổi bật là việc triển khai hiệu quả quy chế quản lý mới dựa trên sự bàn bạc dân chủ, công khai của tất cả cán bộ, nhân dân, trong đó: xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khoán tài chính và cơ chế quản lý vốn vay, thu hồi nợ để tạo ra bước chuyển biến mới đối với công tác nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần đưa tỷ lệ  nợ quá hạn của toàn đơn vị xuống còn 0,2%, giảm hơn 5 tỷ đồng so với năm 2011. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân tại Điểm giao dịch xã đạt 98%, tỷ lệ thu nợ đạt 82%, thu lãi là 99%. NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh xứng đáng là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn hệ thống NHCSXH.

Bài và ảnh Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác