Hải Dương hiện đại hóa tin học

03/04/2014
(VBSP News) Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trên 80% cán bộ, nhân viên NHCSXH có trình độ đại học. Những năm qua được Trung ương đánh giá là đơn vị có chất lượng dữ liệu khá tốt... Trên cơ sở đó cùng với Lâm Đồng, Bắc Kạn, Vĩnh Long, TP. Đà Nẵng và Sở giao dịch, Hải Dương được chọn áp dụng thí điểm chương trình hiện đại hóa tin học, áp dụng phần mềm Intellect Core Banking.
Anh Lưu Hải Phong (áo trắng) đang cùng cán bộ tin học thao tác những quy trình nghiệp vụ trên hệ thống Intellect

Anh Lưu Hải Phong (áo trắng) đang cùng cán bộ tin học thao tác những quy trình nghiệp vụ trên hệ thống Intellect

Theo anh Lưu Hải Phong - Trưởng phòng Tin học NHCSXH tỉnh Hải Dương, do thời gian này đơn vị đang tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đã được giao; củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn theo Quyết định 15/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch…, chi nhánh vừa phải thực hiện nhiệm vụ triển khai thí điểm chạy song song 2 hệ thống Intellect và hệ thống Kế toán giao dịch, nên khối lượng công việc rất lớn. Các đơn vị sau khi thực hiện xong các giao dịch trên hệ thống Intellect phải thường xuyên làm ngoài giờ để hoàn thành việc nhập các giao dịch đã phát sinh trên hệ thống Kế toán giao dịch và Giao dịch xã. Với sự quyết tâm của Ban Giám đốc, Ban chỉ đạo hiện đại hóa tin học ngân hàng của chi nhánh đã được thành lập, do một Phó Giám đốc phụ trách tin học làm Trưởng ban, cùng thành viên là Trưởng các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, Giám đốc các Phòng giao dịch. Hệ thống thiết bị được đầu tư nâng cấp, lắp đặt hệ thống máy chủ chuyên dụng và hoạt động online 24/7, đảm bảo khả năng kết nối hệ thống.

Thường xuyên kiểm tra máy chủ để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả

Thường xuyên kiểm tra máy chủ để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả

Đặc điểm của NHCSXH là giao dịch tại xã và giao dịch tại trung tâm. Vì vậy, hiện đại hóa trung tâm phải gắn liền với hiện đại hóa cơ sở. Anh Lưu Hải Phong, cho biết: Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, vào thời gian đầu mới thành lập 1 Phòng giao dịch chỉ có 1 máy tính để bàn, hiện nay trang bị 1 cán bộ 1 máy tính để bàn. Máy tính xách tay, bình quân 5 máy/1 Phòng giao dịch (dùng để đi giao dịch lưu động tại xã). Đầu tư cơ sở hạ tầng và bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng yêu cầu, toàn thể cán bộ, viên chức làm công tác nghiệp vụ đều tham gia tập huấn đều đặn trang bị kiến thức, kỹ năng thao tác. Đây là một thành công, một bước ngoặt về phát triển công nghệ và tin học hóa tại các Điểm giao dịch trong chi nhánh. Bước đi này đã nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tiếp cận công nghệ tin học đối với các cán bộ cơ sở, từng bước tin học hóa các hoạt động của NHCSXH đến từng Điểm giao dịch. Mặt khác, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân mà cụ thể là người vay vốn; phát huy vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách giảm nghèo của chính quyền cấp xã, thực hiện xã hội hóa các hoạt động của NHCSXH một cách thiết thực hiệu quả.

Từ khi triển khai dự án, việc giải ngân nguồn vốn cho khách hàng tại Điểm giao dịch nhanh hơn, chỉ mất khoảng 5 - 6 phút/giao dịch, giảm ½ thời gian so với trước

Từ khi triển khai dự án, việc giải ngân nguồn vốn cho khách hàng tại Điểm giao dịch nhanh hơn, chỉ mất khoảng 5 - 6 phút/giao dịch, giảm ½ thời gian so với trước

Với đặc thù của NHCSXH là phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trực tiếp đưa vốn đến tận tay bà con ngay tại xã, phường (Điểm giao dịch), thì việc thao tác nghiệp vụ nhanh gọn, chính xác là yêu cầu thiết yếu đối với nhân viên ngân hàng khi làm việc trên hệ thống mới. Làm sao để dữ liệu hoàn thành, khóa sổ cuối ngày và đóng POS đúng vào khung giờ quy định là trước 18 giờ hằng ngày, nhằm kịp chuyển về Trung ương. Đến nay, việc thực hiện nghiệp vụ đã là “chuyện thường ngày”, hoạt động đi vào nề nếp tại 12 đơn vị của chi nhánh, đảm bảo được yêu cầu giao dịch hằng ngày không gặp sai sót, chậm trễ trong giao dịch với khách hàng. Hạch toán đầy đủ, chứng từ in kịp thời và sắp xếp theo đúng quy định. Bà Phạm Thị Mến - Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lộc, nhận xét: Các đơn vị thực hiện hệ thống Intellect Core Banking đã đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian giao dịch, thao tác nghiệp vụ của các cán bộ tín dụng được nhanh gọn và chính xác hơn. Bên cạnh đó, việc hạch toán lãi tự động đã giúp công tác thu lãi được dễ dàng chính xác và tiết kiệm thời gian tính toán so với phương pháp thủ công như trước đây. Còn người vay vốn?, chị Hà Thị Hương ở thôn Văn Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc năm 2013 được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo để làm giày da. Chị bộc bạch: “Đã từng vay các nguồn vốn khác của NHCSXH huyện Gia Lộc, nhưng lần giao dịch vừa qua tôi cảm thấy cán bộ tín dụng chuyển vốn nhanh chóng hơn, vui vẻ hơn so với những đợt giải ngân trước đây. Mong cán bộ phát huy để khách hàng được nhờ”! Theo số liệu thống kê ban đầu từ NHCSXH tỉnh Hải Dương, khi thực hiện hệ thống cũ, mỗi giao dịch hết trung bình khoảng 15 phút, nay rút xuống chỉ còn 5 - 6 phút/giao dịch. Đó là kết quả mà hàng ngàn khách hàng ở Hải Dương như chị Hương có thể nhìn thấy được. Đối với các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, khi áp dụng chương trình mới này, các nguồn lợi được hạch toán cụ thể và nhanh chóng một cách tự động, chính xác.

Bắt đầu vận hành chính thức từ tháng 7/2013 đến nay. Sau gần một năm áp dụng hệ thống mới, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương Vũ Trung Dũng nhận xét một cách đắc ý: “Ích nước, lợi nhà, hòa nhập quốc tế”!

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện - Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác