7.300 hộ cận nghèo ở Hải Dương đã được vay vốn ưu đãi

01/04/2014
(VBSP News) Dẫn chúng tôi đi quanh con đường làng Chằm quen thuộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Hưng, Hoàng Mai Văn bộc trực nói rằng: “Chẳng kể đâu xa, ngay ở quê tôi thuộc huyện Gia Lộc (Hải Dương) - nơi nổi tiếng về sản xuất lương thực và chăn nuôi lợn nái, cá nước ngọt mà vẫn còn khá nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng hộ cận nghèo chiếm 5% trong tổng số 1.178 hộ dân toàn xã. Cách đây không lâu đã không được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, lại còn luôn thiếu vốn làm ăn nên rất dễ rơi vào tình trạng nghèo khó luẩn quẩn. Chỉ từ khi Chính phủ ban hành chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi thì thôn quê như được đón luồng gió mới, bà con nông dân như được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”.
Nhiều hộ cận nghèo ở thôn Văn Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc vay vốn ưu đãi để làm nghề thủ công truyền thống - da giầy

Nhiều hộ cận nghèo ở thôn Văn Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc vay vốn ưu đãi để làm nghề thủ công truyền thống - da giầy

Cùng chúng tôi về huyện đồng bằng Gia Lộc hôm ấy, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương Vũ Trung Dũng cho biết: Đúng vậy, Chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng được sự đồng thuận, nhất trí cao của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh. Hơn nữa, do thời gian qua, NHCSXH đã xây dựng được mạng lưới giao dịch tại các xã, phường, thị trấn với 4.108 Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như bình xét đến tận thôn, xóm nên công tác cho vay rất thuận lợi, nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh Hải Dương đã giải ngân được khoảng 146 tỷ đồng. Đặc biệt trong tháng 3/2014, tức là gần 12 tháng triển khai cho vay, từ nguồn vốn được Trung ương bổ sung và 3 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển riêng cho chương trình, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã kịp thời giải ngân, nâng dư nợ lên 174 tỷ đồng với 7.300 hộ cận nghèo trên địa bàn vay vốn ưu đãi với mức bình quân là 24 triệu đồng/hộ.

Về các xã, phường của tỉnh Hải Dương dịp này, chúng tôi thấy những câu chuyện vay vốn ưu đãi đối với hộ cận nghèo luôn được nhắc đến trong các cuộc họp chi bộ, dân cư thôn, xóm, đến các buổi sinh hoạt đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng sôi nổi bình xét công khai, minh bạch cho những người được vay vốn. Rồi nữa, xã, phường cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ NHCSXH tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay nhằm mục đích để nguồn vốn ưu đãi này không bị sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả.

Đơn cử ở Tổ tiết kiệm và vay vốn số 2, thôn Chằm, xã Phương Hương, huyện Gia Lộc có 11 hộ cận nghèo trong tổng số 52 thành viên trong tổ được vay vốn ưu đãi ngay đợt giải ngân đầu tiên của Chương trình tín dụng hộ cận nghèo tháng 6/2013. Hiện nay, dư nợ của tổ đạt 1,4 tỷ đồng với 52 hộ đang vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Thị Vằn cho chúng tôi biết: “Nhìn vào kinh tế của các hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH hiện nay, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt so với lúc chưa có vốn. Chúng tôi thấy Chương trình cho vay hộ cận nghèo thật sự có ý nghĩa đối với các hộ dân cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội của làng xã. Bởi lẽ đối với các hộ cận nghèo thì nguồn vốn ưu đãi đã tạo đà cho họ vươn lên chủ động sản xuất, không lo tái nghèo nữa. Mong sao những hộ cận nghèo còn lại trong tổ sớm được xét duyệt vay vốn ưu đãi để ổn định cuộc sống”.

Anh Phạm Văn Nguyên vay vốn về đầu tư cải tạo ao, mua cá giống về thả

Anh Phạm Văn Nguyên vay vốn về đầu tư cải tạo ao, mua cá giống về thả

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Nguyên, ở cuối thôn Chằm, xã Phương Hưng. Là một người biết tính toán, lo toan. Thế nhưng không có vốn liếng nên quanh năm kinh tế gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Thời gian này năm trước, nghe tin về Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, sau khi bàn bạc với vợ con, anh Nguyên tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân và được cán bộ NHCSXH hướng dẫn thủ tục, đăng ký vay 30 triệu đồng. Số tiền ấy, ban đầu anh đầu tư cải tạo ao, mua cá giống về thả. Một thời gian sau anh còn vay mượn thêm bà con chòm xóm đầu tư chăn nuôi lợn nái và trồng cây cảnh. Vậy là mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyên đã giúp gia đình vượt qua khó khăn và cho thấy dấu hiệu khả quan.

Còn ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Văn Lâm, xã Hoàng Diệu cùng huyện Gia Lộc cho biết: Gia đình tôi chủ yếu làm nghề thủ công truyền thống. Do thiếu vốn mua nguyên liệu và máy móc nên hiệu quả sản xuất thấp, đời sống cũng không khá hơn. Gần đây, được sự quan tâm của Hội Cựu chiến binh xã và NHCSXH huyện, tôi đã vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo đầu tư khôi phục nghề làm giầy da. Nhờ đó, mọi người trong gia đình có thêm thu nhập, việc làm.

Anh Nguyên, ông Hoạt chỉ là 2 trong số 800 hộ cận nghèo ở 23 xã, thị trấn của huyện Gia Lộc đã được vay vốn ưu đãi của NHCSXH với tổng dư nợ vốn vay thuộc Chương trình tín dụng hộ cận nghèo là 19,950 tỷ đồng. Theo bà Phạm Thị Mến - Giám đốc NHCSXH huyện, hiện tại Gia Lộc còn gần 1.800 hộ cận nghèo, có nghĩa đối tượng vay vốn của chương trình còn tương đối nhiều. Trong khi đó nhu cầu vay vốn và tăng mức vốn vay để đáp ứng kịp thời cho các hộ cận nghèo trên địa bàn đầu tư sản xuất, kinh doanh là cấp thiết. Hy vọng trong thời gian tới đây, Gia Lộc được cấp trên phân bổ vốn nhiều hơn nữa mới giải quyết được phần nào nhu cầu này.

Những thông tin của ngành được cán bộ NHCSXH tuyên truyền cho các hộ vay vốn ngay tại Điểm giao dịch xã, phường (Trong hình là anh Hoàng Văn Đảo (người đứng, tay cầm Sổ vay vốn màu xanh - Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gia Lộc đang hướng dẫn khách hàng vay vốn)

Những thông tin của ngành được cán bộ NHCSXH tuyên truyền cho các hộ vay vốn ngay tại Điểm giao dịch xã, phường (Trong hình là anh Hoàng Văn Đảo (người đứng, tay cầm Sổ vay vốn màu xanh) - Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gia Lộc đang hướng dẫn khách hàng vay vốn

Cũng như Gia Lộc, 11 huyện, thị xã, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng còn số hộ cận nghèo chưa được vay vốn ưu đãi khá lớn, khoảng trên 18.500 hộ, chiếm tỷ lệ 72%. Những đối tượng này đều có nhu cầu vay vốn, trong đó ước độ 10.000 hộ có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn chính sách để thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế. Nghĩa là những đối tượng này cần đến 300 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh để giảm nguy cơ tái nghèo, phát triển kinh tế, nhưng hiện tại NHCSXH khó có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Trước thực tế ấy, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiến nghị Chính phủ, các ngành chức năng, thẩm quyền tạo điều kiện tăng cường nguồn vốn ưu đãi cho vay đối với hộ cận nghèo, đồng thời tích cực và tiếp tục động viên các đơn vị hành chính trên địa bàn trích từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương để chuyển sang NHCSXH tỉnh bổ sung nguồn vốn cho hộ cận nghèo vay vốn sản xuất.

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương cũng đã chuyển qua NHCSXH tỉnh 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 tỷ đồng mới đây dành riêng để cho hộ cận nghèo vay), tạo thêm nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta tin tưởng với sự chung tay, góp sức của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Hải Dương, cuộc hành trình của nguồn vốn ưu đãi chắc chắn đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới giữa vùng châu thổ Sông Hồng.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác