TP. HCM: Thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả

24/03/2014
(VBSP News) Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn thì các chính sách hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm mới chính là giải pháp then chốt giúp cho thoát nghèo bền vững.
Bà con nông dân huyện Củ Chi, TP. HCM được hỗ trợ vốn nuôi bò sữa giúp thoát nghèo

Bà con nông dân huyện Củ Chi, TP. HCM được hỗ trợ vốn nuôi bò sữa giúp thoát nghèo

Từ năm 1992 - 2013, TP. HCM đã trải qua 3 giai đoạn với 7 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Mục tiêu đặt ra hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn dưới 3% trên tổng số hộ dân.

Hiện nay, TP. HCM đã triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 với tiêu chí thu nhập 12 triệu/đồng/năm/người trở xuống và tiếp cận theo hướng hỗ trợ chăm lo trực tiếp, toàn diện các nhu cầu cuộc sống của người nghèo, hộ cận nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Kết hợp đồng bộ các chính sách

Phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết giảm nghèo giai đoạn 3 (2009 - 2015) trước thời hạn và triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015” của TP. HCM  ngày 22/3, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách, giải pháp giảm nghèo thiết thực và hiệu quả tới toàn bộ các ban, ngành, tổ chức và địa phương.

Với mục tiêu chăm lo toàn diện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành phố đã kết hợp đồng bộ các giải pháp từng bước nâng cao thu nhập hướng đến giảm nghèo bền vững và không để tình trạng tái nghèo.

Xác định nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ về vốn là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong công cuộc thoát nghèo bền vững, thành phố đã huy động tối đa các nguồn lực từ các tổ chức tín dụng như NHCSXH, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ 156, Quỹ Hội LHPN thành phố với tổng số tiền là gần 3,7 tỷ đồng (từ 2009 - 2015), tăng bình quân mỗi năm 409 tỷ đồng; bổ sung nguồn vốn tín dụng hàng năm bình quân 222,4 tỷ đồng.

Cách làm để đưa ưu đãi về vốn và các chính sách hỗ trợ tín dụng đạt hiệu quả cao chính là việc các tổ chức cho vay mở rộng các mạng lưới thông tin đến tận cấp cơ sở như phường - xã, khu phố - thôn, xóm; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và đoàn thể trên địa bàn để thông tin, truyền thông đến các hộ nghèo, cơ sở kinh doanh về các chính sách ưu đãi về vốn.

Bên cạnh đó, thông qua cơ chế theo dõi, quản lý trực tiếp của cán bộ chuyên trách giảm nghèo cơ sở, cán bộ tín dụng của NHCSXH, Tổ tự quản giảm nghèo để có hướng dẫn, tư vấn các đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM, ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn thì các chính sách hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm mới chính là những giải pháp then chốt giúp cho thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, thành phố đang thực hiện cùng một lúc chương trình cho vay giải quyết việc làm (Quỹ 71); dự án thu nhận lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề trong nước và cho vay xuất khẩu lao động; miễn giảm học phí cho sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quỹ hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, xã hội hóa, mở rộng các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo tới các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội…

Theo đó, trong giai đoạn 3, chương trình đã đào tạo ổn định 3.000 lao động mỗi năm và khoảng 4.000 lao động bị thu hồi đất đã được đào tạo và tìm việc làm. Hằng năm có từ 12.000 - 15.000 người có việc làm trong nước và có gần 100 lao động nghèo xuất khẩu lao động. Tính chung từ 2009 - 2013 đã giới thiệu việc làm trong nước cho 44.070 lao động và hơn 322 người nghèo xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, thành phố cũng đã chú trọng triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở và các chính sách an sinh xã hội khác để giúp những hộ nghèo nâng cao điều kiện sống và chất lượng sống.

Thực hiện mô hình giảm nghèo

Với mô hình thực hiện xây dựng Nông thôn mới đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đã làm giảm từ mức 41% hộ nghèo có mức thu nhập 12 triệu đồng/năm/người (năm 2009) xuống còn 0,6% hộ nghèo (năm 2014). Với 1.229 hộ nghèo/3.302 hộ của cả xã, các xã đã thành lập 28 tổ tự quản giảm nghèo để sâu sát từng hộ theo từng địa bàn đã phân công.

Cùng với UBND xã, các tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền vận động trên 2 Đài Truyền thanh xã, 7 tổ thông tin ấp và 22 cụm loa không dây về các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt chương trình 1+5 (1 cán bộ xã chăm lo cho 5 hộ nghèo) là một mô hình mới và hiệu quả đã phát huy vai trò hỗ trợ và theo dõi các hộ nghèo hiệu quả vì đã thường xuyên vận động giúp đỡ về vật chất và tinh thần kịp thời cho các hộ nghèo.

Bên cạnh đó, vì là xã nông thôn nên UBND xã xác định phải thoát nghèo từ chính việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Với 19 lớp dạy nghề ngắn hạn miễn phí cho gần 600 lao động về áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa, trồng hoa Lan và rau sạch đã nâng thu nhập của các hộ nông dân nói chung trong đó có rất nhiều hộ nghèo đã vượt lên thành hộ khá.

Tính đến đầu tháng 1/2014, toàn xã Thái Mỹ đã có 1.210 hộ đã vượt chuẩn nghèo, chỉ còn lại 19 hộ nghèo (do không có khả năng lao động), chiếm 0,6% trên tổng số hộ dân của xã.

Điển hình hơn là mô hình “Cả nhà theo ngành y” và chương trình “Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” mà có nhiều gia đình đã dần thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, bên cạnh các giải pháp thiết thực của thành phố thì việc chủ động bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện sáng tạo theo tình hình cụ thể tại các cơ sở phường xã, thôn, xóm bằng các mô hình giảm nghèo cụ thể đã góp phần đẩy mạnh rút ngắn giai đoạn giảm nghèo 3 (2009 - 2015) của TP. HCM.

Thanh Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác