Cán bộ xã cùng quản lý vốn
Là người tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hoằng Hóa, ông Vũ Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Hoằng Minh, cho biết: “Là thành viên Ban đại diện HĐQT, chúng tôi luôn chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn bằng văn bản, công khai các đối tượng, sinh hoạt thường xuyên với các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể… nhằm tăng cường được vai trò quản lý Nhà nước ở địa phương. Khi các đối tượng vay vốn có khó khăn gì, chúng tôi mời họ lên UBND xã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để tháo gỡ”.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền
“Từ khi Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, nợ quá hạn ở xã không còn, không phát sinh nợ quá hạn. Việc sử dụng vốn của bà con tốt hơn”. |
Ông Dương Thành Bắc - Giám đốc NHCSXH huyện Hoằng Hóa cho hay: Mô hình Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, tăng vai trò chỉ đạo và quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách; các vướng mắc trong lĩnh vực tín dụng ở xã, thị trấn được tháo gỡ kịp thời, hoạt động của ngân hàng được thuận lợi hơn, thủ tục vay vốn nhanh gọn, hiệu quả sử dụng vốn được nâng lên.
“Với vai trò là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, các Chủ tịch UBND xã đã chủ động tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, các chương trình chuyển giao công nghệ; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để hộ tham quan, trao đổi kinh nghiệm… Từ đó, tạo ra sự lan tỏa để các hộ vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích…”, ông Bắc nói.
Cần nhân rộng mô hình
Huyện Hoằng Hóa hiện có 43 Chủ tịch UBND xã, thị trấn tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Từ khi thực hiện mô hình này, hoạt động của ngân hàng tốt hơn, ý thức của dân trong sử dụng vốn vay tốt hơn, trường hợp chây ì giảm đáng kể… Tại xã Hoằng Minh, hiện tổng dư nợ của NHCSXH hơn 5,9 tỷ đồng, với 263 hộ đang sử dụng vốn vay. “Chúng tôi hướng dẫn người được vay vốn cần có biên bản cam kết trả nợ đúng hạn, để cấp chính quyền dễ quản lý. Từ khi thực hiện chương trình này, nợ quá hạn luôn bằng không. Sử dụng vốn của bà con tốt hơn”, ông Vũ Văn Hải cho hay.
Ông Lê Hữu Quyền - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tổng số thành viên Ban đại diện HĐQT trong toàn tỉnh là 897; trong đó có 637 thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã được bổ sung. Cùng với sự chỉ đạo kịp thời của UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, Chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo sâu sát đối với Ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác địa phương trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Hiện, tổng dư nợ toàn tỉnh là 6.757 tỷ đồng, tăng 420 tỷ đồng so với năm 2003; 337.700 hộ đang dư nợ; 11% số xã (69 xã) không có nợ quá hạn, số xã có nợ quá hạn trên 2% chỉ còn 39 xã…
Việc Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã tác động tích cực trong quá trình thực hiện cho vay, thu hồi vốn. “Trước kia, các tổ chức nhận ủy thác phải đi họp giao ban ở huyện rồi về báo cáo chính quyền, rất mất thời gian. Nay, Chủ tịch UBND xã đi giao ban ở huyện về, tổ chức quán triệt, triển khai cho các tổ chức nhận ủy thác. Đây là mô hình cần được nhân rộng ra cả nước”, ông Quyền khẳng định.
Bài và ảnh Thế Lượng - Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » NHCSXH làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH chi nhánh tỉnh Yên Bái
- » Tạo chuyển biến trong quản lý vốn ưu đãi
- » Tỉnh Bắc Giang tổng kết thí điểm Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ quý I/2014
- » Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình làm việc tại tỉnh Gia Lai
- » Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình dự Hội nghị triển khai hoạt động ngân hàng thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông
- » Hà Tĩnh đơn vị dẫn đầu về chất lượng tín dụng ưu đãi
- » Đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho hộ nghèo ở huyện 30a
- » Hải Dương hiện đại hóa tin học