Nền tảng để thoát nghèo bền vững

24/04/2014
(VBSP News) Tuy mới triển khai Chương trình cho vay hộ cận nghèo 1 năm, nhưng nhiều hộ cận nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, bắt đầu đã có tích lũy...
Người dân miền núi Sơn Hà đầu tư trồng ngô ven sông từ nguồn vốn vay dành cho hộ cận nghèo

Người dân miền núi Sơn Hà đầu tư trồng ngô ven sông từ nguồn vốn vay dành cho hộ cận nghèo

Trong căn nhà tường gạch, lợp ngói đỏ, màu vôi vẫn còn rất mới nằm ở bên con đường nhỏ, trò chuyện với chúng tôi, anh Hồ Văn Min, 38 tuổi ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, bộc bạch: “Dù hoàn thành và vào ở đã hơn 1 tháng nay, thế nhưng nhiều lúc tôi không dám tin mình đã xây được ngôi nhà này”.

Trả nợ xong vẫn còn dư tiền

“Tính đến hết tháng 3/2014, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.727 hộ cận nghèo được vay vốn, với dư nợ đạt gần 125 tỷ đồng. Năm 2014, nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo ở Quảng Ngãi được Trung ương bổ sung thêm 90 tỷ đồng”, ông Trần Duy Cường - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Cũng như nhiều gia đình khác ở nơi đây, thu nhập chính của gia đình anh Min chỉ dựa vào mấy sào lúa nước và một ít đất rẫy trồng hoa màu. Vì vậy để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, vợ chồng anh Min phải đi làm thuê, chủ yếu là chặt và lột vỏ keo nguyên liệu. Thấy gia cảnh anh Min khó khăn nên một số người quen ở dưới xuôi ngỏ ý cho góp vốn vào làm ăn, buôn bán. Thế nhưng “tiền ăn còn tính từng bữa” thì lấy đâu ra để góp.

Đầu năm 2013, được biết NHCSXH đang triển khai cho những gia đình cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, anh đã mạnh dạn làm đơn và được cho vay 30 triệu đồng. Cùng với đầu tư mua phân bón và giống để trồng lúa, đậu xanh… anh Min chung vốn buôn bán với bạn bè. Nhờ vậy sau khoảng 1 năm, ngoài trả tiền vay cho ngân hàng, anh Min còn lãi hơn 60 triệu đồng.

Cũng được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo, gia đình chị Đinh Thị Veo, 36 tuổi ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà đầu tư vào chăn nuôi và trồng cây màu ven sông, thu về lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. “Vừa rồi tôi trả 1 triệu đồng gốc và lãi, số tiền còn lại tôi thuê thêm đất để đầu tư trồng đậu, ngô và chăn nuôi lợn, gà”, chị Veo cho hay.

Thủ tục vay thuận lợi

Đại diện NHCSXH các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi cùng có chung chia sẻ: Nhận thức của đồng bào miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên mặc dù rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất nhưng họ không dám vay tiền ngân hàng vì sợ không trả được. Một số khác thì muốn vay nhưng không biết thủ tục, quy định thế nào…

Hộ cận nghèo ở xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) vui mừng nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã Ảnh: VBSP News

Hộ cận nghèo ở xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) vui mừng nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã
                                                                                                                     Ảnh: VBSP News

Để đồng vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, các nhân viên ngân hàng về tận các xã, thôn, làng phối hợp với hội, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ những ai có nhu cầu làm thủ tục vay vốn thuận lợi. Để vốn vay phát huy hiệu quả, người vay trả nợ đúng thời hạn, cán bộ ngân hàng chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, các ngành chức năng hướng dẫn bà con kiến thức làm ăn. Nhờ đó, hầu hết các hộ cận nghèo có nhu cầu đều tiếp cận được đồng vốn, sử dụng vốn hiệu quả.

Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ khẳng định: Cùng với những sự hỗ trợ khác, nguồn vốn vay dành cho hộ cận nghèo đã tạo thuận lợi cho người dân địa phương có điều kiện mua cây, con giống… phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Công Xuân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác