Tháo gỡ khó khăn trong XKLĐ ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị)

28/04/2014
(VBSP News) Xác định công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, Huyện ủy, UBND huyện Đakrông đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành và địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số chuẩn bị tốt các điều kiện để XKLĐ.
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Pa Cô, ở xã A Bung, huyện Đakrông

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Pa Cô, ở xã A Bung, huyện Đakrông

Những năm qua, nhiều gia đình ở huyện Đakrông nhờ có người đi xuất khẩu lao động nên đã vượt qua đói nghèo và vươn lên làm ăn khá giả. Tuy nhiên, XKLĐ ở huyện Đakrông vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có giải pháp hợp lý để tháo gỡ.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu lao động

Sau khi có Quyết định 71/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020, huyện Đakrông đã thành lập Ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, hướng dẫn các xã, thị trấn thiết lập tổ chỉ đạo XKLĐ. Ngoài tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quyền lợi cho người lao động, các địa phương tập trung điều tra, phân loại lực lượng lao động tại thôn, bản, nắm số lao động để khi có kế hoạch tuyển dụng vận động người lao động tham gia.

Trong 3 năm đầu thực hiện (từ năm 2009 đến 2011), huyện Đakrông phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại Châu Hưng, Công ty Cổ phần xây dựng và cung ứng nhân lực Quang Trung, Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 tổ chức tư vấn, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia XKLĐ. Kết quả đã có 717 lao động đăng ký, tham gia đào tạo nghề, trong đó có 325 lao động đủ điều kiện xuất cảnh, chủ yếu tham gia hai thị trường lao động là Malaysia, Trung Đông và Nhật Bản. Trong 2 năm 2012 và 2013, chỉ có 26 lao động đăng ký, tham gia đào tạo nghề và chỉ có 14 lao động xuất cảnh sang thị trường Hàn Quốc.

Tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh Quảng Trị

Tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh Quảng Trị

 Anh Hồ Văn Tàu ở thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp được Công ty Cổ phần thương mại Châu Hưng đào tạo nghề và làm thủ tục xuất cảnh sang Malaysia làm việc tại lò nung của một nhà máy sản xuất bồn sứ vệ sinh vào tháng 1/2010, nhưng một năm sau, anh bị phía nhà máy chấm dứt hợp đồng vì lý do sức khỏe yếu. Mặc dù, trước khi xuất cảnh, anh đã được công ty tuyển dụng lao động kiểm tra xác nhận đủ sức khỏe.

Anh Tàu cho biết: “Sau 1 năm sang Malaysia lao động, phía nhà máy cho đi kiểm tra lại sức khỏe và kết luận tôi không đủ sức khỏe lao động nên họ chấm dứt hợp đồng, buộc tôi phải về nước. Lương làm việc ở ở đây không cao như công ty tuyển lao động hứa hẹn, thời gian làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều trong điều kiện lao động rất vất vả…”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình đưa người lao động ra nước ngoài làm việc vẫn còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu thuộc về người lao động và công ty làm đầu mối XKLĐ.

Về phía người lao động, do trình độ còn hạn chế, hợp đồng lao động có khi bằng tiếng nước ngoài nên người lao động không thể hiểu được những điều khoản ghi trong hợp đồng. Tay nghề của người lao động chưa được đào tạo một cách vững vàng. Ý thức làm việc của người lao động chưa cao nên vẫn còn tình trạng người lao động vi phạm nội quy lao động của công ty, thậm chí còn một số lao động vi phạm pháp luật của nước đến lao động…

Về phía công ty đầu mối XKLĐ, chưa tôn trọng đầy đủ quyền lợi của người lao động, đào tạo tay nghề cho người lao động còn yếu; định hướng việc làm cho người lao động chưa rõ ràng. Các công ty không giải thích cho người lao động hiểu rõ hợp đồng lao động trước khi xuất cảnh, dẫn đến những thiệt thòi cho người lao động khi đến nước ngoài làm việc như: lao động làm công việc không đúng, mức lương được hưởng không như hợp đồng đã ký kết, người lao động không được hưởng các chế độ đầy đủ. Khi tranh chấp hợp đồng chưa đến mức khởi kiện chưa có cơ quan nào đứng ra làm trung gian giải quyết nên phần lớn người lao động chịu thiệt thòi…

Dạy nghề cho thanh niên ở Quảng Trị

Dạy nghề cho thanh niên ở Quảng Trị

Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa tốt, số người đăng ký đi lao động nước ngoài còn ít, các đơn vị tuyển dụng chưa tiếp cận được với nguồn lao động, thiếu các cơ sở đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động…

Giải pháp đẩy mạnh XKLĐ

Để công tác XKLĐ của huyện Đakrông đạt kết quả cao và bền vững rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương. Trước hết là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động XKLĐ; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và hạn chế thiệt hại cho người lao động.

Các doanh nghiệp đầu mối XKLĐ cần làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phòng Lao động và Thương binh và Xã hội huyện Đakrông tham mưu triển khai tốt sự chỉ đạo của tỉnh và các ngành chức năng về chính sách khuyến khích XKLĐ.

UBND các xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn đến từng thôn, bản về những quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia XKLĐ.

Về công tác vay vốn XKLĐ, NHCSXH huyện Đakrông cần giải ngân vốn kịp thời cho những lao động có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, phổ biến, thông báo rộng rãi các thủ tục cho người lao động được vay vốn thuận tiện hơn.

Ngoài các giải pháp trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc đề nghị: Các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ, kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân trong hoạt động giới thiệu việc làm và XKLĐ. Các doanh nghiệp cần phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn từ các ban, ngành liên quan của tỉnh và huyện Đakrông để hoàn thành mục tiêu của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa lao động đi xuất khẩu chung của tỉnh.

Để thực hiện tốt đề án XKLĐ ở huyện miền núi Đakrông cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đến tận thôn, bản, xem việc XKLĐ là một trong những nhiệm vụ góp phần tích cực đẩy nhanh giảm nghèo, về lâu dài góp phần thay đổi ý thức kỷ luật và tập quán của người lao động.

Bài và ảnh Nguyễn Văn Hai

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác