Về Điện Biên hôm nay

05/05/2014
(VBSP News) Tín dụng ưu đãi giúp người dân tại các địa bàn khó khăn trên cả nước phát triển kinh tế, và tại tỉnh Điện Biên, nguồn vốn này đồng hành cùng đồng bào các dân tộc nơi đây sản xuất, kinh doanh, mang lại cuộc sống ấm no. 60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, xứ sở Hoa ban trắng đang từng ngày, từng giờ đổi thay...
Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã Mường Tùng vui mừng khi nghe cán bộ NHCSXH tuyên truyền về các chính sách cho vay ưu đãi của Nhà nước

Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã Mường Tùng vui mừng khi nghe cán bộ NHCSXH tuyên truyền về các chính sách cho vay ưu đãi của Nhà nước

Ngược Quốc lộ 6, chúng tôi đến với Điện Biên, để đến xã Mường Tùng - một xã khó khăn của huyện Mường Chà. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng, Lù Vắt Vặn chia sẻ: “Kinh tế - xã hội của xã phát triển được như ngày hôm nay cũng là nhờ vốn vay chính sách đấy. Trước kia đồng bào dân tộc tại các bản, làng chỉ biết sống dựa vào rừng núi, kinh tế mang tính tự cấp tự túc nên đói, nghèo cứ theo chân đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ khi có NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, mỗi năm xã được phân bổ nguồn vốn để cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tính riêng trong năm 2013, với nguồn vốn được phân bổ là 1,5 tỷ đồng cho toàn xã, các hộ dân vay vốn đầu tư mua trâu, dê, ngựa, trồng cao su… năm 2014, nguồn vốn được phân bổ dự kiến trên 2 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã chúng tôi”.

“Đến 31/3/2014, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Điện Biên đạt trên 1.534 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo trên 848 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 83 tỷ đồng, học sinh, sinh viên trên 150 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 230 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167 trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm 70 tỷ đồng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số hơn 21 tỷ đồng và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là gần 14 tỷ đồng…”

Năm 2013, người dân xã Mường Tùng càng vui mừng hơn khi được vay vốn chương trình tín dụng hộ cận nghèo để giúp họ thoát nghèo bền vững, bởi từ lâu các hộ cận nghèo tại huyện Mường Chà nói chung, xã Mường Tùng nói riêng có nhu cầu vay vốn nhưng lại không thuộc đối tượng chính sách để NHCSXH cho vay, chính vì thế Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ như một luồng gió mới giúp đồng bào dân tộc nơi đây thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với các chương trình cho vay ưu đãi khác như hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… đang tạo ra động lực mạnh mẽ giúp người dân xã Mường Tùng phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dừng chân trước ngôi nhà sàn vừa mới được làm mới của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Lò Văn Hóa ở bản Tin Tốc, xã Mường Tùng, chúng tôi đã nghe tiếng thảo luận sôi nổi của các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thấy chúng tôi tới thăm nhà, Tổ trưởng Hóa hồ hởi bắt tay thật chặt. Anh cho biết: “Mình làm Tổ trưởng do Đoàn Thanh niên quản lý đã hơn 6 năm, hiện tại trong tổ có 56 tổ viên, dư nợ tại NHCSXH huyện Mường Chà gần 1,2 tỷ đồng. Những năm trước đây, bà con trong bản vay vốn chính sách rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi còn gì để mang lại thu nhập, nhiều hộ được vay vốn ưu đãi rồi, mang về “bỏ ống tre” hàng tháng mang đi trả lãi cho ngân hàng. Cán bộ NHCSXH huyện Mường Chà cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách thì ngày càng có nhiều hộ vay vốn. Thật đáng mừng là từ khi tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thì đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn nhiều hơn hẳn, và bà con cũng đã biết đầu tư đúng hướng, mang lại thu nhập. Nhìn các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đang say sưa thảo luận về các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay đang đến với các bản, lảng ở xã Mường Tùng, đổi thay đến từ các chương trình tín dụng chính sách mà từng cán bộ NHCSXH huyện Mường Chà đang ngày đêm âm thầm và bằng một quyết tâm cháy bỏng để giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững.

Chúng tôi tiếp tục hành trình ngược lên xã Sá Tổng, huyện Mường Chà. Anh Giàng Bia Hồ - Chủ tịch UBND xã tươi cười cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và NHCSXH, đồng bào các dân tộc tại xã Sá Tổng có được nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi mà nhiều hộ dân tại các bản, làng xa xôi có tiền đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, bình quân mỗi năm xã được NHCSXH phân bổ nguồn vốn ưu đãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng cho bà con vay vốn để làm ăn, với số tiền đó chúng tôi đã phân bổ đến từng bản, làng, từng hội, đoàn thể cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, chăn nuôi của bà con. Nếu không được sự hỗ trợ của vốn vay chính sách, không biết tới bao giờ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sá Tổng mới có thể phát triển được”.

Nuôi ong lấy mật, mô hình thoát nghèo cho nhiều người dân ở tỉnh Điện Biên

Nuôi ong lấy mật, mô hình thoát nghèo cho nhiều người dân ở tỉnh Điện Biên

Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ dân vay vốn từ NHCSXH, anh Giang A Bình - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Dế Da, xã Sá Tổng cho biết: “Đối với nguồn vồn chính sách, căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con và mục đích xin vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ tổ chức họp, bình xét công khai, dân chủ, đồng thời thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân để ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực của họ. Sau đó trình lên UBND xã phê duyệt mới được vay vốn từ NHCSXH. Bởi vậy, đồng bào phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình, rất nhiều hộ đã thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi.

Bên cửa hàng tạp hóa khá khang trang vừa mới mở cửa, chị Giàng Thị Cử, dân tộc Mông tươi cười cho biết: “Được vay vốn 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, vợ chồng mình đã sửa chữa cửa hàng và mua các loại nhu yếu phẩm về phục vụ bà còn, ở nơi núi cao, có được cửa hàng buôn bán như thế này là tốt lắm rồi, vốn vay từ NHCSXH giúp nhà mình đó”. Bản Dế Da những năm trước đây còn heo hút với mấy nóc nhà sàn lụp xụp trên các sườn đồi, đồng bào dân tộc Mông sống dựa vào rừng núi, cuộc sống nhiều khó khăn. Nhưng nay, mọi thứ đã đổi thay, nhờ có các chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi mang đến cho Dế Da một sự đổi thay diệu kỳ, người dân sống quần tụ, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được áp dụng với các giống cây, con từ miền xuôi đưa lên.

Đang chăm sóc đàn trâu của mình, anh Giàng A Minh ở bản Dế Da cho biết: “Có được đàn trâu 3 con này là từ vốn vay chính sách đấy, những năm trước đây gia đình mình thuộc diện hộ nghèo của xã, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng mình đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, nhờ chăm sóc tốt nên đến nay mình đã có 3 con, với giá bán hiện tại, trị giá 3 con trâu này là gần 70 triệu đồng. Tới đây, mình sẽ trả hết nợ cho ngân hàng”.

Đồi cao su gần 6 năm tuổi xanh mướt đang được người dân Điện Biên chăm sóc Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Đồi cao su gần 6 năm tuổi xanh mướt đang được người dân Điện Biên chăm sóc
                                                                                                                                         Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Tạm biệt bản Dế Da, tạm biệt xã vùng cao Sá Tổng, trên đường trở về, dọc hai bên là những đồi cao su xanh mướt và từng đàn trâu đang tung tăng gặm cỏ trên những sườn đồi, anh Nguyễn Minh Đức - cán bộ NHCSXH tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Những đồi cao su, đàn trâu này đều do người dân địa phương trồng và chăn nuôi. Mỗi hộ có chừng 2 - 3ha cao su. Trong tương lai đây sẽ là nguồn thu không nhỏ đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, muốn cho nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả cao hơn nữa thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn cho bà con cách thức chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp với vốn vay ưu đãi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, trên địa bàn các xã vùng cao của huyện Mường Chà còn nhiều hộ dân đang muốn vay vốn ưu đãi để đầu từ chăn nuôi, trồng trọt, bởi vậy công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa của vốn chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong việc giúp dân phát triển”.

60 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Mường Chà nói riêng đã có nhiều đổi thay trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần trong sự phát triển ấy có dấu ấn đậm nét của NHCSXH.

Bài và ảnh Trần Nguyên Giáp

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác