Cầu nối cho tín dụng chính sách

13/02/2014
(VBSP News) Phường Hòa Khánh Nam quản lý rất tốt nguồn vốn vay ưu đãi và hiệu quả sử dụng vốn, trong đó có vai trò không nhỏ của chị Lê Thị Tuyết Mai, người đồng hành cùng NHCSXH tháo gỡ những khó khăn trong cung ứng vốn và thu hồi nợ trên địa bàn...
Chị Lê Thị Tuyết Mai (ngồi giữa) được người dân gọi là “cán bộ của hộ nghèo”

Chị Lê Thị Tuyết Mai (ngồi giữa) được người dân gọi là “cán bộ của hộ nghèo”

 

Cán bộ của hộ nghèo

Trong một lần theo chân các cán bộ tín dụng NHCSXH TP. Đà Nẵng, chúng tôi có dịp về phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu để tìm hiểu hiệu quả chương trình cho vay hộ nghèo ủy thác qua các hội, đoàn thể ở địa phương này.

Mới hơn 7 giờ sáng nhưng hội trường UBND phường Hòa Khánh Nam rất đông các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ dân đến giao dịch định kỳ. Được tận mắt chứng kiến hoạt động giao dịch trực tiếp với hộ gia đình vay vốn tại cơ sở mới thấy hết sự nhiệt huyết và tận tâm của những người làm nghề “gieo vốn” đến tận tay người nghèo, đối tượng chính sách.

Với cách thức giải ngân vốn tín dụng có một không hai này, người nghèo không mất chi phí đi lại, càng không phải gõ cửa này, chạy cửa kia… Từ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều gia đình từ đói nghèo, nhà cửa xác xơ nhưng đến nay không những đủ ăn, đủ mặc mà còn cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Không ít hộ gia đình còn dư tiền để xây nhà mới, tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tiếp tục vươn lên làm giàu… Mới đầu buổi sáng, nhưng cái nắng nóng của miền Trung đã khiến nhiều người trong hội trường vã mồ hôi, thế nhưng chị Lê Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, như một “con thoi” giữa bộn bề công việc: dự họp với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, xét duyệt đối tượng vay; nắm tình hình sử dụng vốn của hộ gia đình…

Phó giám đốc phụ trách NHCSXH quận Liên Chiểu Lưu Thị Nhi cho hay, mặc dù không phải cán bộ của ngân hàng, song chị Mai có mặt trong tất cả hoạt động của NHCSXH tại cơ sở… Từ họp xét duyệt đối tượng vay, giao ban Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng cán bộ tín dụng kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay đến các buổi giải ngân và thậm chí tham gia thu và xử lý nợ cùng NHCSXH…

Với tình yêu công việc và luôn hết lòng vì người dân, chị Lê Thị Tuyết Mai được các hộ vay vốn trên địa bàn gọi chị là “cán bộ của hộ nghèo”…

Bà Nguyễn Thị Nga ở tổ 15 là một trong những hộ nghèo, thuộc diện khó khăn của phường Hòa Khánh Nam, nhờ đồng vay vốn ưu đãi từ NHCSXH và sự hỗ trợ của chương trình giảm nghèo, nên gia đình bà Nga từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn và có cuộc sống ổn định.

Bà Nga chia sẻ: “Trước đây gia đình nghèo lắm, không có vốn để làm ăn. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền, nhất là sự động viên, giúp đỡ của chị Mai nên gia đình đã mạnh dạn tiếp cận vốn vay mở quầy tạp hóa để buôn bán… và có được cuộc sống no đủ như hôm nay”.

Cần nhân rộng những điển hình

Gần 12 giờ trưa, khách hàng đến giao dịch còn đông, chị Mai vẫn “bám trụ” tại Điểm giao dịch để kịp thời xử lý những sự việc phát sinh… Đợi hết khách hàng đến giao dịch, tranh thủ giờ nghỉ trưa, chúng tôi tiếp xúc với người “cán bộ của hộ nghèo” và được chị Mai chia sẻ: Hòa Khánh Nam có 5.969 hộ, với 29.484 nhân khẩu, những năm qua, trên địa bàn diễn ra quá trình chỉnh trang đô thị và thực hiện 41 dự án quy hoạch, giải tỏa đền bù, dân số cơ học tăng nhanh do người lao động tại các khu công nghiệp và sinh viên đến lưu trú tăng.

Toàn phường có 338 đối tượng chính sách, người có công; 578 người có mức thu nhập thấp, 333 hộ nghèo (theo chuẩn của thành phố, thu nhập 800.000 đồng/người/tháng), 309 người mưu sinh bằng lao động nhặt rác. Đa số người dân sinh sống bằng thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ; lao động phổ thông và sản xuất nông nghiệp.

Do đó, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là điều kiện nuôi con ăn học, lao động việc làm, chuyển đổi ngành nghề… Thách thức này đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết đối với chính quyền địa phương cần phải quan tâm và giải quyết…

Trước thực tế đó, chính quyền đã xác định công tác tuyên truyền là biện pháp hàng đầu để đưa chủ trương, chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng. “Phải kịp thời chỉ đạo Ban giảm nghèo, Tổ dân phố, phối hợp với chi bộ khu dân cư, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền cho người dân biết về chính sách cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, HSSV và sớm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…”, chị Mai tâm sự.

Chính quyền đã phối hợp với NHCSXH quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, quy trình thủ tục cho vay cán bộ phụ trách các hội, đoàn thể, chuyên trách giảm nghèo, Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đối tượng thụ hưởng tín dụng ưu đãi… Đồng thời, làm tốt việc xét duyệt đối tượng cho vay, lập hồ sơ, thủ tục đúng quy trình, quy định; các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp tổ hằng tháng…

Từ sự nỗ lực của chính quyền, đến nay toàn phường hiện có 1.138 hộ vay vốn thông qua 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ trên 20 tỷ đồng. Từ sự nỗ lực kết hợp giữa nhiều giải pháp hỗ trợ của địa phương và nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có được vốn để làm ăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi ở các trang trại ven đồi, các mô hình trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, các hộ buôn bán nhỏ… vươn lên thoát nghèo…

Theo ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Đà Nẵng, nơi đâu chính quyền địa phương vào cuộc kịp thời thì ở đó có sự phát triển tốt. Phường Hòa Khánh Nam làm rất tốt việc chỉ đạo Tổ dân phố, hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời bình xét bổ sung đối tượng hộ nghèo, tập hợp nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị NHCSXH cho vay.

Không có trường hợp nào thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách không được vay vốn. Cùng các đoàn thể đã cùng phối hợp với ngân hàng làm tốt việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo kiểm tra 100% tổ và hộ vay. Đây là một điển hình cần nhân rộng để các địa phương khác áp dụng vào thực tế khi đưa vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo, giúp người dân làm ăn tốt và có cuộc sống tốt hơn.

Thực tế cho thấy, tất cả hộ vay vốn trên địa bàn đều đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả thiết thực. Vì thế, trong những năm qua địa phương không có nợ quá hạn…

Có thể nói, Hòa Khánh Nam quản lý rất tốt nguồn vốn vay và hiệu quả sử dụng vốn, có vai trò không nhỏ của chị Lê Thị Tuyết Mai, người đồng hành cùng NHCSXH tháo gỡ những khó khăn trong cung ứng vốn và thu hồi nợ trên địa bàn… Góp phần đáng kể vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bài và ảnh Chí Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác