Giám đốc… bản
Từ lúc còn làm cán bộ tín dụng cho đến khi trở thành Giám đốc NHCSXH huyện, anh luôn sâu sát gắn bó với từng địa bàn, nhất là với đồng bào ở những bản vùng cao. 10 năm trong nghề, 15 xã với hơn 200 tiểu khu trong huyện, bất cứ nơi nào anh cũng đã đến không phải 1 mà tới 2, 3 lần, thân thiết đến độ được bà con ưu ái gọi với cái tên “Giám đốc… bản”. Anh là Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Lập (Phú Thọ).
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế năm 2000, Nguyễn Mạnh Hùng được nhận ngay vào làm kế toán tại Công ty Lilama 3 với mức lương khởi điểm là 3 triệu đồng/tháng mức thu nhập đáng mơ ước vào thời điểm đó. Tưởng như Hùng đã có thể “yên tâm” với mục tiêu kiếm tiền làm giàu thực hiện mơ ước từ nhỏ, thì năm 2003 anh bất ngờ chuyển sang thi tuyển vào NHCSXH, khi ấy mới được thành lập và được điều thẳng về NHCSXH huyện Yên Lập. Hùng vẫn còn nhớ như in cái cảm giác của ngày đầu đi nhận việc: “Mới chạy xe đến dốc Đá Thờ mình đã cảm nhận được sự heo hút, vắng vẻ và đầy khó khăn của địa bàn sẽ vào công tác. Vào đến nơi đúng lúc chiều muộn và không khí sập sùi của ngày mưa cuối tháng 7 càng làm cho phố huyện thêm thâm u, buồn tẻ khiến cho cậu trai trẻ có gần chục năm sống nơi đô thị như mình muốn quay xe bỏ về thành phố. Cơ quan chỉ vẻn vẹn có 4 chú cháu với tài sản là 2 gian nhà cấp 4 tạm bợ. Rồi đi vào làm việc chưa được một tháng lại xảy ra trận lũ quét lịch sử, điều mình chưa bao giờ trải qua, khiến cả cơ quan chỉ chạy được duy nhất cái máy tính càng làm cho mình hối tiếc công việc cũ đã bỏ dở để chấp nhận vào đây làm với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng…”. Không thể kể hết bao thiếu thốn vất vả từ những ngày đầu mới đi vào hoạt động của mạng lưới NHCSXH và với một địa bàn miền núi như huyện Yên Lập khó khăn càng chồng chất. Đường đến các xã không gập ghềnh khúc khỉu thì cũng trơn trượt rất khó đi. Đồng bào lại nghèo, bao nhiêu vốn giải ngân cũng cứ hun hút như gió vào nhà trống. Là cán bộ duy nhất làm tín dụng, Hùng phải đến tất cả các xã để kiểm tra đối chiếu nợ, có những chuyến chỉ để kiểm tra vài triệu đồng nợ quá hạn mà Hùng phải đi đến mấy ngày do đường vào, ra đã khó lại gặp lúc bà con đi làm nương hai, ba ngày mới về nên phải đợi. Đối chiếu nợ đã vậy mà đi đốc thúc thu hồi nợ lại càng nan giải hơn. Hùng kể có những nhà anh đến thu món nợ quá hạn chỉ vài trăm nghìn nhưng nhìn cảnh cả gia đình từ cụ già móm mém đến bọn trẻ lóc nhóc đều ngồi quây quanh duy nhất chỉ một nồi cơm sắn nhiều hơn gạo anh lại ngậm ngùi cho họ tiền mà chả nỡ lòng nào đòi nợ họ. Lại có gia đình anh đến với quyết tâm phải “bắt nợ” bằng được một thứ gì đó để tạo áp lực buộc họ trả nợ, nhưng đi rồi lại về không vì cả nhà cả cửa con nợ chỉ có mỗi thứ giá trị nhất là cái… công tơ điện. Toàn những gia cảnh khó khăn là vậy, thế mà anh Hùng vẫn cần mẫn đến từng nhà vận động, thuyết phục bà con trả nợ để được ngân hàng tiếp tục cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Bà con nghe và hiểu ra nên ai cũng cố thu xếp để trả nợ cho ngân hàng đầy đủ. Chính nhờ sự chăm chỉ, tận tụy của anh cán bộ tín dụng mà 227 triệu đồng nợ quá hạn và 66,7 triệu đồng nợ khoanh từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập bàn giao sang đã được thu hồi đầy đủ. Đến nay NHCSXH huyện Yên Lập đã cơ bản xử lý xong số nợ được bàn giao, chỉ còn lại 9,3 triệu đồng dư nợ hộ nghèo và 22 triệu đồng nợ từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là không còn khả năng thu hồi.
Nghĩ lại, Hùng vẫn không biết mình gắn bó và yêu thích cái nghề làm tín dụng chính sách này từ khi nào. Chỉ biết công việc cứ cuốn đi, mỗi lần cùng đồng nghiệp đem vốn tới từng xã giải ngân, thấy đồng bào đi bộ từ tờ mờ sáng tới tận trưa mới ra đến trụ sở UBND xã, nhận tiền vay xong lại lóc cóc đi bộ về mà vẫn cười tươi vì có tiền sắm trâu, tậu bò là anh lại quên hết mọi mệt nhọc để vui cùng niềm vui của bà con. Đến khi bố mẹ anh thương cậu con trai vất vả, mỗi chuyến đi xã về là chiếc xe máy lại gẫy mất vài cái nan hoa, nên cậy nhờ được một người bà con xin cho anh về làm ở Phòng Tài chính huyện Lâm Thao thì Hùng lại cương quyết không về nữa. Hoạt động trên địa bàn huyện có tới 58% hộ nghèo, việc được mang nguồn vốn đến với đồng bào khó khăn không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của Hùng và các đồng nghiệp. Càng trải nghiệm thực tế, Hùng càng thấm thía, công việc mang lại lợi ích cho nhiều người là việc làm “có hậu” nên dẫu vất vả và thu nhập cũng không cao như nhiều ngành nghề khác nhưng Hùng vẫn rất yêu thích và tự hào về công việc mình đang làm. Chính vì thế mà từ khi còn là cán bộ tín dụng, rồi Tổ trưởng Tổ tín dụng, Phó giám đốc và bây giờ là Giám đốc NHCSXH huyện, Hùng rất chú trọng việc kiểm soát đảm bảo nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích. Nhờ thế mà từ khi chỉ có 2 chương trình với vài ba tỷ đồng, đến nay tổng dư nợ của NHCSXH huyện Yên Lập đã lên tới trên 215 tỷ đồng của 10 chương trình tín dụng ưu đãi, nhưng nợ quá hạn luôn được duy trì ở mức dưới 1%.
Có mặt từ ngày đầu thành lập ngành, suốt 10 năm gắn bó với đồng bào vùng cao Hùng thân thuộc với từng cung đường khúc khuỷu, mỗi con suối gập ghềnh, hay các bản làng nghèo khó. Vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen do ngân hàng, tỉnh, huyện và các ngành trao tặng, nhưng có lẽ danh hiệu mà anh Hùng thấy tự hào nhất lại do đồng bào vẫn đùa vui gọi mỗi lần nhìn thấy anh “Giám đốc… bản”.
Bài và ảnh Kim Thư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chị chỉ có một mong ước giản dị...
- » “Cầu nối” giúp HSSV nghèo được vay vốn
- » Người phụ nữ “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
- » Hết lòng vì hội viên nghèo
- » “Anh Hân Tổ trưởng” ở A Đớt
- » Chuyện những phụ nữ làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Cầu nối” vốn chính sách của phụ nữ Đạo Khê
- » Hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3
- » Ông Hươl thoát nghèo bền vững
- » Hết mình với công tác xóa nghèo