Bức tranh trung du miền núi đã đổi thay

13/03/2014
(VBSP News) Để đồng vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt hiệu quả thiết thực, NHCSXH huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác, chủ động triển khai cho vay vốn ưu đãi theo từng địa bàn. Cùng với đó, cán bộ tín dụng NHCSXH nơi đây đã không quản ngại, khó khăn, vất vả, thường xuyên bám sát cơ sở trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người nghèo cách thức sử dụng vốn vay hợp lý và lồng ghép với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nhanh chóng sinh lợi.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Điêu Thị Chính đầu tư chăn nuôi bò sinh sản để tăng thu nhập Ảnh: Tuấn Ngọc

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Điêu Thị Chính đầu tư chăn nuôi bò sinh sản để tăng thu nhập
                                                                                                                                              Ảnh: Tuấn Ngọc

Với cách làm này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 20 xã, thị trấn thuộc huyện miền núi trung du Tam Nông tiếp cận được các nguồn vốn chính sách phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn của chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình ông Phạm Văn Chất ở thôn 5, xã Hồng Đào đã đầu tư mô hình trồng lúa thơm cao sản rộng trên 8 sào. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi bò lai sind để tăng thu nhập. Năm vừa qua, sau khi trừ mọi chi phí, tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 40 - 50 triệu đồng. “Cứ đà này, tôi không chỉ trả hết nợ cho ngân hàng đúng hạn mà còn chuẩn bị làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo”, ông Chất khẳng định.

Hay như gia đình bà Điêu Thị Chính ở khu 6, xã Hồng Đào trong 6 năm qua đã được NHCSXH cho vay đến gần 100 triệu đồng thuộc 4 chương trình tín dụng ưu đãi. Từ nguồn vốn này, bà đầu tư làm chuồng trại nuôi bò sinh sản, lợn nái, mua vật liệu để mắc đường ống dẫn nước sạch về tận nhà sử dụng và chăm lo cho cả 3 người con học đại học trên Hà Nội. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, sử dụng vốn vay đúng mục đích nên kinh tế gia đình bà trở nên khá giả. Bà Chính tâm sự trong niềm phấn khởi: “Gia đình tôi từng được vay tiền từ chương trình hộ nghèo và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; sau khi trả hết vốn và lãi cho ngân hàng, tôi được vay tiếp 36 triệu đồng ưu đãi để lo cho con cái ăn học và giữa năm ngoái còn được vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo để nuôi bò sinh sản. Hiện nay, 2 cháu đầu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, tiết kiệm tiền cùng gia đình hoàn trả đủ tiền vay cho ngân hàng cuối năm 2013. Đồng vốn ưu đãi thực sự giúp gia đình tôi đổi đời”.

Địa chỉ tin cậy của người nghèo Ảnh: Tuấn Ngọc

Địa chỉ tin cậy của người nghèo
                                                                                                                                                      Ảnh: Tuấn Ngọc

Có thể nói, nhờ nguồn vốn ưu đãi cùng với sự đầu tư đúng hướng, các hộ dân đã phát huy lợi thế của địa phương để tập trung đầu tư vào các mô hình kinh tế, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trong năm 2014, NHCSXH huyện Tam Nông sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp với các hội, đoàn thể, quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi; đảm bảo cho vay đúng đối tượng; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác; đồng thời, luôn là địa chỉ tin cậy của người nghèo ở các làng quê trung du miền núi.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác