Nậm Đét thơm lừng hoa quế
Cụ Triệu Mùi Pham là người đi tiên phong đưa cây quế về trồng ở xã Nậm Đét. Cụ kể: trước đây bà con trong xã chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là chặt, đốt phá rừng để trồng ngô và làm lúa nương, năng suất rất thấp, nên bị “con ma đói” nó hoành hành triền miên. Nghe tin bà con người Dao ở Văn Yên (Yên Bái) nhờ trồng quế mà đuổi được cái đói, cái nghèo, cụ Pham lặn lội đường rừng, tìm đến tận nơi. “Trăm nghe không bằng một thấy”, cụ xin cây quế về trồng thử. Sau một năm dày công chăm bón, cụ Pham vui mừng vì thấy cây quế sống và phát triển. Từ đó, cụ báo cáo chính quyền đưa cây quế về trồng ở Nậm Đét. Lúc đầu nhiều hộ không tin. Sau khi đến tận nơi xem vườn quế xanh tốt của gia đình cụ biết được tin ở nhiều địa phương khác cây quế đã “cứu” bà con thoát khỏi đói, nghèo, bèn cử người sang Yên Bái mua giống về trồng.
Năm 1974, cây quế chính thức được đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Nậm Đét với 20.000 cây. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cây quế phát triển tốt. Đến năm 1980, toàn xã có 144ha quế. Từ năm 1986 - 1990, sản phẩm quế đầu tiên được thu hoạch, mang lại nguồn thu cho người trồng quế. Bà con phấn khởi. Từ năm 1990 đến nay, quế trở thành cây trồng chủ lực, nhằm xóa nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Diện tích không ngừng được mở rộng, toàn xã hiện có 1.137ha quế, trong đó có 600ha đang cho thu hoạch. UBND xã Nậm Đét đã thành lập Hợp tác xã, phối hợp với cán bộ khuyến nông tỉnh và huyện hướng dẫn người dân kỹ thuật ươm giống, chăm sóc và thu hoạch quế. Cùng với xã, NHCSXH đồng hành cùng bà con. Ở Nậm Đét hầu như nhà nào cũng trồng quế. Nhà ít trồng 0,5ha, nhà trồng nhiều hơn 10ha. Anh Triệu A Líu, 29 tuổi, người Dao đỏ tâm sự: “Tôi lập gia đình được hơn 7 năm và có 2 con. Khi ra ở riêng vợ chồng tôi nghèo lắm, được cấp một mảnh đồi hơn 0,5ha trồng cây quế và một túp lều ở tạm. Đầu năm 2009, được Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng, NHCSXH cho vay 8 triệu đồng không tính lãi, Đoàn xã hỗ trợ 5 triệu đồng và nhiều ngày công, tôi đã dựng được ngôi nhà gỗ, lợp ngói 3 gian. Vợ chồng “an cư, lạc nghiệp”, tôi còn được Đoàn xã đứng ra giúp vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Có vốn làm ăn, mở rộng thêm diện tích quế. Bây giờ, gia đình tôi đuổi được “con ma đói” rồi. Mình ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.
Cây quế không chỉ cung cấp vỏ để bán, gỗ quế cũng có thể chế biến thành gỗ công nghiệp, làm nhà và một số đồ gia dụng khác. Cành và lá có thể nấu tinh dầu. Ba năm nay giá vỏ quế khô tương đối ổn định, ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg, toàn xã bán ra từ 120 - 150 tấn quế khô/năm. Một cây quế trồng 20 năm, đường kính 25 - 30cm có giá bán từ 8 - 12 triệu đồng. Từ cây quế, năm 2011 xã Nậm Đét thu về trên 2 tỷ đồng, năm 2012 gần 4 tỷ đồng và năm 2013 trên 4 tỷ đồng. Cây quế đã đem lại công ăn, việc làm và thu nhập cao cho người dân. Trong môi trường ấy, với sự năng động, quyết tâm làm giàu từ chính cây quế địa phương, khởi nghiệp từ 20 triệu đồng vốn vay NHCSXH, chàng trai trẻ Lý A Siếu, sinh năm 1990 - đại diện cho thế hệ 9X xã Nậm Đét, đã mạnh dạn mở xưởng xẻ gỗ và đầu tư ươm trồng 30kg hạt giống cây quế. Đến nay, gia đình anh đã trồng được 10ha quế mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho 4 lao động trẻ trong xã, với mức thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Với xưởng gỗ, anh thu nhập hằng năm - sau khi trừ chi phí, đạt trên 100 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi trồng, chăm sóc cây quế của gia đình, Lý A Siêu còn cung cấp giống cây quế, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong xã trồng trên diện tích đất trống của gia đình, giúp bà con phát triển kinh tế, tăng độ che phủ của rừng.
Từ một xã nghèo đói, đốt phá rừng làm nương, rẫy Nậm Đét trở thành “thủ phủ” cây quế của tỉnh Lào Cai, nhiều hộ có mức thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Hương thơm cây quế từ Nậm Đét đã lan tỏa khắp huyện Bắc Hà, người dân ở các xã Bảo Nhai, Nậm Khánh, Cốc Lầu, Bản Cái… đã đến học hỏi cách trồng, chăm sóc cây quế để chuyển hướng lao động và cây trồng.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thanh niên Bắc Ninh vay vốn làm nghề mộc
- » Bài học thoát nghèo ở Yên Bái
- » Năm 2013, Đà Nẵng giải ngân trên 330 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Kiên Giang triển khai nhiệm vụ năm 2014
- » Vốn vay chính sách giúp người dân Đắk Lắk khá giàu
- » Hơn 11 nghìn lượt khách hàng ở Thanh Hóa được vay vốn giải quyết việc làm
- » Nhịp cầu dẫn vốn
- » Hộ cận nghèo ở Văn Chấn được tiếp sức
- » Mở hướng thoát nghèo bền vững
- » Trung tâm Đào tạo tổ chức Hội nghị người lao động năm 2014