Hơn 11 nghìn lượt khách hàng ở Thanh Hóa được vay vốn giải quyết việc làm
Giám đốc NHCSXH tỉnh Lê Hữu Quyền cho biết: Nguồn vốn giải quyết việc làm ở tỉnh Thanh Hóa được sử dụng rất hiệu quả, cụ thể là đã giúp các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh từ vùng miền núi đến đồng bằng, miền biển mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới cho 43 nghìn lao động; khôi phục và phát triển hàng trăm làng nghề truyền thống… góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Chương trình cho vay giải quyết việc làm luôn nhận được sự ủng hộ, tham gia của các cấp, ngành và đông đảo nhân dân.
Ông Quyền cũng dẫn chứng tên một số cơ sở sản xuất, hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm như gia đình ông Thạch Văn Chạp ở xã Quảng Nam, huyện Quảng Xương vay 100 triệu đồng để mở rộng xưởng sản xuất, chế biến nước mắm Cự Nham. Xưởng chế biến nước mắm này đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Quảng Khê, ông Viên Đình Quy đã vay 20 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay kịp thời, ông đầu tư xây bể xi măng nuôi cá nước ngọt, mỗi năm thu hoạch, bán ra thị trường gần 4 tấn cá, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi ngót 100 triệu đồng. Ông Quy chia sẻ: Nhờ vay được vốn từ chương trình giải quyết việc làm, nên gia đình tôi đầu tư chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế, cuộc sống khá hơn trước rất nhiều. Nhưng với số vốn vay của chương trình như hiện nay quả thật là quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Mong sao Chính phủ quan tâm tăng mức vay và giảm lãi suất.
Giống như ở huyện Quảng Xương, huyện Cẩm Thuỷ đầu tư đến 10 tỷ đồng của chương trình giải quyết việc làm, xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm cho người dân nghèo. Điển hình có gia đình ông Trịnh Quốc Huy được vay 100 triệu đồng lập trang trại chăn nuôi; mỗi năm quay vòng nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 1.000 - 1.200 con lợn thịt, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Trang trại chăn nuôi lợn của ông Huy tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên, mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Huy cũng luôn trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi và cách sử dụng nguồn vốn vay, sức lao động vào việc làm ăn của mô hình trang trại với các hộ dân xung quanh. Ông cũng mong muốn được vay nhiều hơn để tạo thêm việc làm ổn định cho lao động nông nhàn trong vùng.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm ở Thanh Hóa đạt được kết quả trước hết là do NHCSXH tỉnh đã tích cực chỉ đạo NHCSXH các huyện phối kết hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác trên địa bàn, tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, phổ biến quy trình, thủ tục, điều kiện vay vốn giải quyết. Hằng năm, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa còn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các huyện, thị xã, thành phố. Tại các Điểm giao dịch và thông qua trên 6.610 Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn tỉnh, chính sách tín dụng ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn công khai, rộng rãi, giúp người vay lập dự án vay vốn và kịp thời giải ngân đến tận nơi thực hiện dự án. Mặt khác, tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả, nhằm mục đích đưa chương trình cho vay giải quyết việc làm về một địa phương đất rộng, người đông như Thanh Hóa có tác dụng góp phần tạo việc làm ổn định, tăng việc làm mới, nâng cao thu nhập và xóa nghèo bền vững cho người lao động nông thôn.
Tin và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nhịp cầu dẫn vốn
- » Hộ cận nghèo ở Văn Chấn được tiếp sức
- » Mở hướng thoát nghèo bền vững
- » Trung tâm Đào tạo tổ chức Hội nghị người lao động năm 2014
- » Hội nghị người lao động NHCSXH tỉnh Hoà Bình năm 2014
- » Dư nợ cho vay ủy thác ở Vĩnh Long đạt gần 1.294 tỷ đồng
- » Vốn vay ưu đãi đã được bà con nông dân Ninh Nhất sử dụng hiệu quả
- » Những ngôi nhà trong mơ
- » Cao Phong chuyển dịch cơ cấu cây trồng
- » Niềm vui khi có nước sạch