Nhịp cầu dẫn vốn

03/03/2014
(VBSP News) Hoạt động cho vay ủy thác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Không chỉ góp phần chuyển tải đồng vốn kịp thời, đến đúng đối tượng, các cấp hội, đoàn thể còn tư vấn, hỗ trợ để các hộ sử dụng vốn hiệu quả. Ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk.
Lãnh đạo Hội Nông dân các cấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình anh Mai Xuân Nghĩa ở thôn Lộc Thành, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng

Lãnh đạo Hội Nông dân các cấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình anh Mai Xuân Nghĩa
ở thôn Lộc Thành, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng

Theo đánh giá, Hôi Nông dân các cấp trong tỉnh Đắk Lắk đã trở thành “bà đỡ”, cung cấp lượng vốn tín dụng lớn tới nông dân nghèo, tạo điều kiện cho bà con đầu tư phát triển sản xuất, chăm lo cho các con ăn học, vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 2011, gia đình anh Mai Xuân Nghĩa ở thôn Lộc Thành, xã Phú Lộc, huyên Krông Năng được Hôi Nông dân xã tín chấp vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH để đầu tư nuôi nhím. Sau 2 năm, từ 1 cặp nhím bố mẹ, anh phát triển được 18 con, xuất bán 10 con nhím giống lấy vốn đầu tư chăm sóc 1,5ha cà phê. Anh Nghĩa cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi nên gia đình tôi có thêm điều kiện mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước chăm sóc vườn cà phê, nâng sản lượng từ 4 tấn (năm 2012) lên 5 tấn (năm 2013). Khi đến thời hạn trả nợ ngân hàng vào năm 2014, tôi mong muốn tiếp tục được vay lại với số vốn nhiều hơn để nâng quy mô sản xuất”.

Mặc dù, chăm chỉ làm ăn nhưng nhiều năm liền gia đình ông Nguyễn Trọng Học ở tổ dân phố 1, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo. Qua khảo sát, gia đình ông được Hội Nông dân thị trấn tín chấp cho vay tổng cộng 26 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển nghề làm bánh tráng, bún khô, kết hợp nấu rượu, chăn nuôi heo. Sau 3 năm, gia đình ông không chỉ trả được nợ ngân hàng mà còn vươn lên khá - giàu với thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.

Đối với chị Võ Thị Huệ ở thôn Lộc Tân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, nguồn vốn cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay của NHCSXH đã trở thành “cứu cánh” giúp chị nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Chồng mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, mình chị vất vả, tần tảo sớm khuya nuôi 2 con nhỏ ăn học. Khi biết tin 2 con lần lượt trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng, chị rất vui nhưng cũng vô cùng lo lắng vì không biết phải xoay xở như thế nào để có đủ tiền cho con theo học. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, chi hội nông dân thôn, Tổ tiết kiêm và vay vốn đã bình xét, tín chấp cho vay 9 triệu đồng từ NHCSXH. “Sắp tới, gia đình sẽ làm đơn đề nghị được vay thêm nguồn vốn HSSV để tiếp tục lo cho các con ăn học”, chị Huệ bộc bạch.

Từ năm 2004 đến 2012, Hội Nông dân các cấp trong tình Đắk Lắk đã phối hợp với NHCSXH thực hiện việc giải ngân 9 chương trình vay vốn tín dụng với tổng số vốn trên 2.215 tỷ đồng cho 166.396 lượt hội viên nông dân vay.

Để nguồn vốn tín dụng đến tay nông dân nghèo nhanh chóng, kịp thời, ngay sau khi chương trình phối hợp ủy thác cho vay hộ nghèo được thông qua, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện nhiệm vụ ủy thác của NHCSXH đối với hộ nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách. Hội Nông dân các cấp còn tích cực tham gia cùng chính quyền, các hội, đoàn thể khác rà soát đối tượng hộ nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Cách làm này bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, đưa vốn đến đúng đối tượng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong từng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Anh Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay hộ nghèo, xã đã thành lập Ban chỉ đạo. Dựa trên nguồn vốn được phân bổ, Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ mời đại diện chi bộ, ban tự quản, các đoàn thể và thành viên các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến cùng họp, bình xét, ưu tiên cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất. Sau đó tiến hành khảo sát mục đích sử dựng vốn vay của từng hộ, tránh tình trạng nguồn vốn giải ngân không đúng đối tượng.

Để giúp nông dân sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, công tác quản lý nguồn vốn cũng được thực hiện chặt chẽ. Hội thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, lựa chọn những thành viên có đủ trình độ, uy tín làm Tổ trưởng. Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác, quy trình quản lý, điều hành, thủ tục vay vốn cho cán bộ hội và các Tổ trưởng vay vốn; tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và dạy nghề ngắn hạn cho hội viên vay vốn; đôn đốc, vận động các hộ vay vốn trả lãi hằng tháng và thu hồi nợ đến hạn nên tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,87%, đặc biệt không để xảy ra tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Y Tô Niê Kdăm, hoạt động ủy thác vay vốn tín đụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho nông dân nghèo có vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào công tác xóa nghèo của tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ hội, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tập hợp nông dân vào tổ chức hội.

Bài và ảnh Nguyễn Xuân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác