Hộ cận nghèo ở Văn Chấn được tiếp sức

03/03/2014
(VBSP News) Khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo thường khá mong manh, không ít hộ cận nghèo do thiếu vốn làm ăn lại rơi xuống hộ nghèo. Cùng với cho vay hộ nghèo, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo đã giúp tiếp sức cho đối tượng này tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) vươn lên ổn định cuộc sống.
Hộ cận nghèo ở Văn Chấn đã được vay vốn phát triển kinh tế Ảnh: Quốc Việt

Hộ cận nghèo ở Văn Chấn đã được vay vốn phát triển kinh tế
                                                                                                                                                             Ảnh: Quốc Việt

Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nậm Tục 2, xã Nghĩa Sơn có 18 tổ viên trong đó không ít hộ cận nghèo cần vay vốn. Trước đây, hộ cận nghèo là đối tượng không được vay vốn từ NHCSXH nên nhiều hộ khi còn là hộ nghèo được vay đến khi thoát nghèo lên hộ cận nghèo không được vay nữa thì “hẫng” trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ cho triển khai Chương trình tín dụng hộ cận nghèo thì dư nợ chương trình này tại Tổ đã đạt cao.

Khi biết được vay vốn, chị Hà Thị May đã đăng ký vay 30 triệu đồng. Từ vốn vay, chị đã trồng 0,5ha rừng và đầu tư chăn nuôi lợn, gà. Từ khi vay vốn vào giữa năm 2013 đến nay, chị đã xuất bán 2 lứa lợn thịt và 2 lứa lợn con, thu hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Lợi nhuận từ chăn nuôi đã góp phần giúp gia đình chị xây được căn nhà mới thay cho căn nhà cũ kỹ trước đây. Chị chia sẻ, vốn vay đã giúp gia đình chị ổn định kinh tế chăn nuôi từng bước làm giàu; mức vốn tối đa 30 triệu đồng dành cho chăn nuôi là phù hợp nhưng đối với trồng rừng nếu có thể tăng thêm thì sẽ hiệu quả hơn.

Nhìn cặp trâu trị giá vài chục triệu đồng ít ai nghĩ rằng chỉ 4 năm trước đây thôi gia đình chị Vũ Thị Quế ở thôn Nậm Tục 2, xã Nghĩa Sơn lại là hộ nghèo nhất thôn. Năm 2008, thông qua ủy thác Hội Phụ nữ xã, chị được vay 9 triệu đồng đầu tư chăn nuôi, từ 1 con trâu nái ban đầu nhờ chăm sóc tốt đến nay chị đã có 3 con trâu trị giá trên 50 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, những người nghèo như chị Quế mới có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ông Phan Trọng Bình - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: “Xã có trên 72% dân số là người dân tộc Khơ Mú, đời sống còn nhiều khó khăn. Điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, ruộng nước ít. Do vậy, Đảng bộ xã xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chính để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH là nguồn lực chính để hộ nghèo phát triển chăn nuôi và phát huy hiệu quả tốt nhất”.

Sau gần 1 năm cho vay, NHCSXH huyện Văn Chấn đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền rộng khắp, thủ tục vay đơn giản đúng quy định, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đã giúp vốn phát huy hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình đạt gần 16 tỷ đồng.

Hiện tại, huyện Văn Chấn còn 3.900 hộ cận nghèo, tức là đối tượng vay vốn còn nhiều. Nhu cầu vốn đáp ứng vay kịp thời để các hộ cận nghèo trên địa bàn đầu tư phát triển kinh tế là cấp thiết. Vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai là các hội, đoàn thể bên cạnh việc nhận ủy thác cho vay cần tăng cường xây dựng các mô hình phù hợp thực tiễn để đồng vốn được phát huy hiệu quả nhất.

Theo Báo Yên Bái

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác