Vốn vay chính sách giúp người dân Đắk Lắk khá giàu
Cách đây 6 năm gia đình chị Hoàng Thị Duyên, dân tộc Nùng ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn được NHCSXH huyện cho vay 11 triệu đồng, chị Duyên đã xây dựng chuồng nuôi heo. Nhờ tính toán hợp lý và tận dụng nguồn phế phẩm nông sản để chăn nuôi nên đàn heo của gia đình chị phát triển nhanh, mỗi năm xuất bán được hơn 20 con. Số tiền tích luỹ được từ chăn nuôi được chị đầu tư trồng lúa, nuôi bò vỗ béo. Sau 5 năm, gia đình chị không chỉ trả hết vốn và lãi cho ngân hàng mà còn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, đồng thời giúp đỡ các hội viên phụ nữ nghèo trong buôn làng cách thức làm ăn.
Gia đình vợ chồng chị H’Mít Hmok ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột trước đây do thiếu vốn làm ăn, nên mặc dù rất chăm chỉ lao động nhưng vườn cà phê của gia đình vẫn còi cọc, năng suất thấp. Song từ năm 2008, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay 18 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH. Nhờ nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đúng lúc, gia đình chị H’Mít Hmok đã tập trung vào mua vật tư phân bón, khoan giếng lấy nước chăm sóc 2ha cà phê và chăn nuôi dê, bò. Với cách làm đó, trước Tết Nguyên đán năm nay gia đình chị đã có số tiền kha khá từ chăn nuôi và phát triển vườn cà phê.
Ông Nguyễn Tử Ân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho hay, từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều hộ nghèo đã phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn.
Năm 2013, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã tập trung phối hợp với các hội, đoàn thể, hướng dẫn hộ vay về phương thức sản xuất, kỹ thuật vật nuôi. Ông Trần Thanh Bình ở xã Ea Ô, huyện Ea Ka cho biết: “Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đầu tư canh tác trên 2ha đất, trong đó gần 1ha trồng cà phê giống catimor, còn lại trồng hồ tiêu, hoa màu, mỗi năm thu nhập đến 100 triệu đồng. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, cuộc sống gia đình đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.
Có thể nói, hầu hết các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đều có tỷ lệ tăng trưởng ổn định. Từ nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Hồ Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hơn 11 nghìn lượt khách hàng ở Thanh Hóa được vay vốn giải quyết việc làm
- » Nhịp cầu dẫn vốn
- » Hộ cận nghèo ở Văn Chấn được tiếp sức
- » Mở hướng thoát nghèo bền vững
- » Trung tâm Đào tạo tổ chức Hội nghị người lao động năm 2014
- » Hội nghị người lao động NHCSXH tỉnh Hoà Bình năm 2014
- » Dư nợ cho vay ủy thác ở Vĩnh Long đạt gần 1.294 tỷ đồng
- » Vốn vay ưu đãi đã được bà con nông dân Ninh Nhất sử dụng hiệu quả
- » Những ngôi nhà trong mơ
- » Cao Phong chuyển dịch cơ cấu cây trồng