Chị chỉ có một mong ước giản dị…

25/01/2014
(VBSP News) Lúc còn trẻ, dù gia đình còn khó khăn nhưng Lê Thị Kim Dung, sinh năm 1981 ở xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) rất ham học và cố gắng vượt qua lũy tre làng lên Hà Nội để “ăn cơm bụi, ở nhà trọ”, hoàn thành chương trình học tập tại Học viện Tài chính với mong muốn “sẽ làm được việc gì đó cho người dân nghèo quê mình đỡ khổ” bởi hơn ai hết, Dung hiểu rất rõ những vất vả, thiếu thốn của người dân nông thôn, nhất là những nông dân nghèo.
Chị Dung (bên phải) trong một lần đi kiểm tra việc sử dụng vốn vay giải quyết việc làm

Chị Dung (bên phải) trong một lần đi kiểm tra việc sử dụng vốn vay giải quyết việc làm

Tốt nghiệp đại học, Lê Thị Kim Dung tình nguyện trở về quê hương tham gia công tác Đoàn Thanh niên. Những nỗ lực, đóng góp nhỏ bé của cô gái trẻ hiền hậu vùng quê chiêm trũng đã được đền đáp xứng đáng khi Dung được tuyển dụng vào làm việc tại NHCSXH huyện Lý Nhân. Trong quá trình học tập và công tác, Lê Thị Kim Dung luôn nhận thức rằng: Lý nhân là huyện có mật độ dân số đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, không chỉ của tỉnh Hà Nam mà của cả khu vực đồng bằng sông Hồng. Nơi đây, tuy có một số Ngân hàng thương mại hoạt động, nhưng bà con không có đủ điều kiện tiếp cận, mặt khác, NHCSXH là một tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nơi Dung công tác lại vừa mới thành lập nên nguồn vốn rất thiếu, cơ sở vật chất như trụ sở, phương tiện làm việc hầu như không có gì. Song không vì thế mà anh chị em chùn bước, ngược lại, những cán bộ NHCSXH vẫn vượt lên mọi khó khăn, thử thách, ngày đêm âm thầm chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng.

Nhận nhiệm vụ làm tín dụng, Dung có lợi thế là am hiểu sâu sắc công việc đồng áng và thông thạo đường đi lối lại của tất cả 22 xã, thị trấn trong huyện; do đó, đã vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu, kịp thời phát huy được tinh thần xung kích, tận tụy của người cán bộ ngân hàng để rèn luyện, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi thuận lợi dễ dàng và lo toan, tính toán sử dụng số vốn vay vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Cán bộ tín dụng Lê Thị Kim Dung tâm sự, kể từ khi nhận công tác ở NHCSXH huyện Lý Nhân đến nay, Dung cũng không nhớ mình đã tham gia giải ngân bao nhiêu lần, hướng dẫn bao nhiêu hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay vào phát triển kinh tế, đơn giản là nhiều quá không nhớ hết. Ở vùng đất thuần nông, đặc biệt là bà con nông dân nghèo ở Lý Nhân từ lâu nay vấn đề thiếu vốn sản xuất đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng có thời điểm giải ngân Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng với công tác thu nợ, thu lãi đến kỳ hạn của các hộ nghèo thuộc 2 xã: Nhân Chính và Nhân Khang đúng ngày mưa to, gió lớn, điện lưới mất, máy tính xách tay trục trặc kỹ thuật nên buộc Tổ giao dịch lưu động NHCSXH do Lê Thị Kim Dung đảm nhiệm đã thức trắng qua đêm, quyết tâm hoàn thành công việc, được chính quyền và nhân dân địa phương khen ngợi. Nghề tín dụng chính sách lúc nào cũng bận rộn, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ nhưng Kim Dung và chị em đồng nghiệp vẫn theo phương châm “làm hết việc không làm hết ngày”, chủ động tìm hiểu nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, bám sát cơ sở đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp cho họ vươn lên làm chủ cuộc sống.

Gắn bó với công tác tín dụng từ những ngày đầu thành lập của NHCSXH và lăn lộn với những người nghèo của vùng quê thuần nông, Lê Thị Kim Dung cũng trưởng thành từ đây. Từ một cán bộ tín dụng được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tín dụng, năm 2007 làm Phó giám đốc, rồi được kết nạp vào Đảng, năm 2011 được giao trọng trách Giám đốc NHCSXH huyện Lý Nhân. Dù làm bất kể công việc, vị trí công tác nào, Lê Thị Kim Dung luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, năng động, đã tham mưu, đề xuất với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện phân bổ nguồn vốn ưu đãi hợp lý như: Biện pháp tăng trưởng dư nợ tín dụng theo kế hoạch được cấp trên giao, cách thức xử lý nợ… Cùng với đó, Giám đốc NHCSXH huyện rất coi trọng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các hội, đoàn thể trong công tác ủy thác vốn vay ưu đãi, cũng như tăng cường củng cố hoạt động ở tất cả 407 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tạo thành một mạng lưới đưa các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH về tới làng, xóm, đến tận nhà dân. Không chỉ có động viên khuyến khích anh chị em trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, bản thân nữ Giám đốc trẻ đã không ngại gian khổ, thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt việc cho vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nộp lãi tại Điểm giao dịch xã. Chính sự nhiệt tình, tận tâm với người nghèo của nữ Giám đốc và tập thể cán bộ NHCSXH huyện Lý Nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, sau 11 năm hoạt động, tổng doanh số cho vay của NHCSXH huyện Lý Nhân đạt trên 310 tỷ đồng, với 49.000 lượt hộ vay vốn; trong đó, số hộ nghèo vay vốn ưu đãi chiếm tỷ lệ cao nhất với 24 nghìn lượt hộ vay và số tiền đạt 250 tỷ đồng.

Với những kết quả và thành tích ấy, Giám đốc Lê Thị Kim Dung đã được tặng thưởng nhiều Giấy khen và các danh hiệu thi đua. Tháng 4/2013, chị là đại biểu ưu tú của NHCSXH tỉnh Hà Nam được tham dự Hội nghị Tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH. Song với Lê thị Kim Dung, hạnh phúc và niềm vui lớn nhất của chị là được chung tay, góp sức trực tiếp phục vụ quê hương và những người dân trên địa bàn ngày càng được vay nhiều vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no ấm. Đó là, mong ước giản dị của nữ Giám đốc trẻ tuổi và cũng là mục tiêu phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ NHCSXH huyện Lý Nhân.

Bài và ảnh Minh Uyên Khanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác