Khi nhà khoa học tâm tư về nông dân nghèo

02/10/2013
(VBSP News) Đề án “Đánh giá ảnh hưởng của chương trình cho vay hộ nghèo đến sản xuất và đời sống của người dân nông thôn”, do TS. Phạm Thị Lý - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo NHCSXH làm Chủ nhiệm đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng đánh giá cao và xếp loại Giỏi. Đề án được giới thiệu trong sự kiện “Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2013”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Toàn Thắng (thứ tư từ phải sang) chúc mừng nhóm tác giả Đề án                                                          Ảnh: Tư liệu do tác giả cung cấp

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Toàn Thắng (thứ tư từ phải sang) chúc mừng nhóm tác giả Đề án
                                                                                                                                                 Ảnh: Tư liệu do tác giả cung cấp

Chia vui cùng hộ cận nghèo

Hướng tới Lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và 83 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, trong hai ngày 01 và 02/10/2013, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trình bày, giới thiệu 30 đề án và 36 sản phẩm trong sự kiện “Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2013” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức.

Trong những đề án giới thiệu đó, đại diện ngành Ngân hàng vinh dự có Đề án nghiên cứu “Đánh giá ảnh hưởng của chương trình cho vay hộ nghèo đến sản xuất và đời sống của người dân nông thôn”, do TS. Phạm Thị Lý - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo NHCSXH làm Chủ nhiệm đề tài cùng 9 thành viên nữ khác. Đây là Đề án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng đánh giá cao và xếp loại Giỏi.

Gặp nữ Chủ đề tài - TS. Phạm Thị Lý, tại trụ sở NHCSXH vào ngày sắp diễn ra sự kiện Ngày Phụ nữ sáng tạo, chị cho biết: “Qua nhiều lần dự các phiên họp Hội đồng quản trị của NHCSXH, thì băn khoăn lớn nhất của các thành viên là làm thế nào để nguồn vốn cho vay được sử dụng hiệu quả. Điều này đã thôi thúc tôi thực hiện đề tài nghiên cứu này”.

Để đánh giá ảnh hưởng của chương trình cho vay hộ nghèo đến sản xuất và đời sống của người nghèo vùng nông thôn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tại 4 xã khó khăn tại 4 huyện là: Hạ Hòa (Phú Thọ), Kim Sơn (Ninh Bình), Tuy An (Phú Yên), Vị Thủy (Hậu Giang). Khi các chị phỏng vấn nhiều nhóm đối tượng khác nhau đều cho rằng, NHCSXH đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người vay có thể tiếp cận được với vốn vay ưu đãi.

Từ khi có NHCSXH, hộ nghèo có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận vốn vay do điều kiện và thủ tục vay ngày càng đơn giản và dễ dàng hơn cho hộ vay. Cụ thể, về thủ tục vay đã có sẵn mẫu biểu theo quy định, được ngân hàng nơi cho vay hướng dẫn tận tình chu đáo. Nếu khách hàng đã vay nhiều lần thì thủ tục càng nhanh chóng hơn.

Thời gian chờ đợi để được vay vốn ngắn; vốn vay được phân kỳ trả nợ linh hoạt, điều đó làm người nghèo yên tâm hơn trong việc quyết định vay vốn NHCSXH. Thuận lợi lớn nữa là hộ nghèo không cần thế chấp tài sản khi vay vốn. Điều này giúp cho phần lớn hộ nghèo được vay vốn NHCSXH.

Theo TS. Phạm Thị Lý, qua nghiên cứu cho thấy, điểm nổi bật nhất là người nông dân sau khi thoát nghèo rồi mà không được vay vốn NHCSXH nữa thì thời gian đầu họ rất hụt hẫng và nguy cơ tái nghèo rất cao. “Điều đáng mừng là cùng với kiến nghị của các chuyên gia, người dân, đại diện Hội đồng quản trị các địa phương và đề xuất của Đề án nghiên cứu này Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo. Và sau 5 tháng triển khai, tính đến 30/9/2013 dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 5.130 tỷ đồng, với 280.000 hộ vay vốn đã tăng thêm niềm vui cho nhóm nghiên cứu”, TS. Phạm Thị Lý chia sẻ.

Những tâm tư sau Đề án

Theo nhóm nghiên cứu Đề án, ý thức sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả của người dân các tỉnh từ miền Trung trở ra Bắc thường cao hơn. Có lẽ do các tỉnh miền trong có điều kiện tự nhiên nhiều ưu đãi với vựa lúa lớn, dồi dào cây trái nên nỗ lực sản xuất, phát huy hiệu quả sử dụng vốn giảm đi.

Đặc biệt, nhiều người dân nông thôn phía Nam không vay vốn ngân hàng, cho dù là vốn ưu đãi vì kỹ năng quản lý, phương pháp hạch toán thu chi trong gia đình còn yếu. Chẳng hạn, nhiều chị em phụ nữ ghi chép các khoản thu chi trong gia đình nhưng thấy các khoản chi nhiều hơn, nên nói đến vay vốn ngân hàng họ sợ không trả được nợ.

TS. Hoàng Thị Sen - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trung tâm đào tạo NHCSXH cho biết, trong quá trình điều tra, nhiều hộ nông dân, nhất là ở những vùng nuôi trồng thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ nên tăng mức cho vay tối đa với chương trình cho vay hộ nghèo lên để người dân có cơ hội đầu tư sản xuất cao hơn nữa. “Hiện nay mức cho vay tối đa với hộ nghèo và cận nghèo là 30 triệu đồng/hộ, nhưng năng lực sản xuất, kinh doanh của mỗi người nông dân có sự khác nhau nên mới có đề xuất này”, TS. Hoàng Thị Sen tâm tư.

Bên cạnh đó, vấn đề công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng cần được tiếp tục quan tâm để hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả, phát huy tốt nguồn vốn ưu đãi, xóa nghèo hiệu quả.

“Những chuyến đi khảo sát làm việc cùng với người nghèo đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng. Nhiều hộ gia đình vợ chồng ốm đau quanh năm nhưng ý chí, nghị lực lớn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sử dụng vốn vay hiệu quả. Điều này cũng tiếp thêm những động lực cho các cán bộ làm ngân hàng ở những vùng sâu, vùng xa tiếp tục chuyển tải vốn tới người dân nghèo hiệu quả hơn nữa”, TS. Phạm Thị Lý trải lòng.

Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác