Một cán bộ Hội Phụ nữ quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi

03/09/2013
(VBSP News) Theo lời giới thiệu của NHCSXH huyện Duy Tiên (Hà Nam), chúng tôi tìm gặp chị Ngô Thị Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiên Tân, đây là một trong những cán bộ hội quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi tại địa phương.
Chị Ngô Thị Thanh (trái) xuống tận gia đình chị em phụ nữ để kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi

Chị Ngô Thị Thanh (trái) xuống tận gia đình chị em phụ nữ để kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi

Chị Thanh tâm sự: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống. Cùng với việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý nguồn vốn vay theo từng chương trình tín dụng và đôn đốc việc trả nợ, trả lãi đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở.
Chị Thanh kể lại, từ năm 2005, NHCSXH đã giải ngân cho hội viên phụ nữ xã vay số tiền hơn 758 triệu đồng, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nợ quá hạn lên tới 47 triệu đồng, nhiều món vay nhỏ nhưng gia đình hội viên không thực hiện hoàn trả theo đúng kỳ. Đây là khó khăn lớn trong việc quản lý, đôn đốc và thu nợ đối với nhiều gia đình hội viên, ảnh hưởng đến uy tín của hội với NHCSXH. Từ thực tế đó, chị đã mạnh dạn đề xuất NHCSXH và cấp uỷ, chính quyền, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã đưa ra nhiều biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Coi trọng công tác tuyên truyền vận động, thực hiện nghiêm túc trong khâu bình xét các đối tượng, gia đình hội viên đảm bảo theo quy định. Trong đó, từ 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay đã củng cố, sáp nhập còn 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các Tổ trưởng thực sự là những người năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc được giao. Được biết, bản thân chị Thanh luôn sâu sát với cơ sở để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nhu cầu và điều kiện hoàn cảnh thực tế của từng gia đình hội viên. Tích cực hướng dẫn các Tổ trưởng thực hiện theo mẫu biểu, các quy trình nghiệp vụ. Chị cho biết: Mình có nghiệp vụ về kế toán do vậy thường xuyên hướng dẫn các Tổ trưởng về các nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý sổ sách, phân loại các chứng từ, hợp đồng vay vốn, bảng kê, danh sách thu lãi, đảm bảo nguyên tắc và sắp xếp khoa học. Hàng tháng, ngân hàng định kỳ thu lãi, gốc và giải ngân tại Điểm giao dịch kết hợp họp giao ban để hướng dẫn các quy định mới, nắm bắt kịp thời những bất cập phát sinh tại cơ sở. Tại đây, các Tổ trưởng báo cáo kết quả hoạt động theo tháng và có sổ bình xét, sổ ghi chép trước sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền địa phương, các Tổ trưởng tăng cường các biện pháp quản lý, phân loại đối tượng và kiên quyết không để nợ quá hạn. Kinh nghiệm trong công tác quản lý ở Hội Phụ nữ xã Tiên Tân rút ra là tích cực đôn đốc, theo dõi phân kỳ trả nợ của từng món vay khi sắp đến hạn. Trường hợp đặc biệt khó khăn, Tổ trưởng chia nhỏ món vay và vận động các thành viên trong gia đình tập trung hoàn trả theo đúng quy định. Cách làm này khiến gia đình hội viên vay vốn thực hiện trả gốc, lãi tiền vay đúng kỳ hạn và đến nay dư nợ gần 4,4 tỷ đồng, không có trường hợp nợ quá hạn. Qua kiểm tra việc uỷ thác vốn vay của NHCSXH và của Hội Phụ nữ các cấp về các hoạt động cho vay vốn tại Hội Phụ nữ xã Tiên Tân đều đánh giá cao về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt chị Ngô Thị Thanh được coi là một trong những cán bộ hội cấp xã tiêu biểu trong công tác quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tại địa phương.

CTV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác