Nữ Tổ trưởng xứng đáng được khen thưởng

22/08/2013
(VBSP News) Theo chân chị đi đến từng hộ dân để vận động gửi tiền tiết kiệm vào NHCSXH và thu lãi tiền vay trước phiên giao dịch, chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả của một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với mức thù lao chẳng đáng bao nhiêu, trong khi công việc của tổ chiếm khá nhiều thời gian, nên phải có lòng nhiệt tình, tâm huyết lắm chị mới đảm nhiệm tốt nhiệm vụ này tới 10 năm nay. Đó là chị Đặng Thị Điểm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).
Chị Đặng Thị Điểm đang tuyền truyền về chính sách cho vay ưu đãi tới các tổ viên

Chị Đặng Thị Điểm đang tuyền truyền về chính sách cho vay ưu đãi tới các tổ viên

Công việc của một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thật không ít, nhất là vào thời gian đầu NHCSXH mới thành lập và đi vào hoạt động. Chị Điểm kể: Những ngày đó, chị mới làm nên chưa có kinh nghiệm, được ngân hàng tập huấn kỹ năng quản lý vốn, xong nắm chưa được chắc nên để tuyên truyền, phổ biến chính sách vay vốn ưu đãi cho tổ viên càng không dễ dàng. Chính vì vậy, chị phải dành nhiều thời gian để tự tìm hiểu về các chương trình vay vốn ưu đãi, tự rèn luyện kỹ năng thuyết trình để phổ biến lại cho các tổ viên. Với đặc điểm tự nhiên của thôn, vào những năm 2004 - 2005, đường giao thông đi lại khó khăn, lại phải thường xuyên đến từng hộ nên rất vất vả. Khó khăn hơn, nhận thức của người dân chưa cao, cho nên việc nắm bắt chính sách không dễ, nhiều khi phải phổ biến đi, phổ biến lại cho họ nhiều lần. Rồi khi họ vay vốn đầu tư không có hiệu quả do chưa có kỹ thuật, rủi ro dịch bệnh… lại nản lòng và khó thu hồi vốn. Những lúc như vậy, chị cũng mất ăn mất ngủ, lo lắng chẳng kém người vay. Chị gần gũi họ, tích cực động viên tổ viên của mình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, đồng thời làm các thủ tục với ngân hàng xin gia hạn nợ, tạo điều kiện cho các hộ tiếp tục sản xuất…
Với nụ cười đôn hậu, chất phác, chị tiếp tục chia sẻ trong câu chuyện với chúng tôi: “Trong thời gian 2, 3 năm đầu, chỉ có 7 - 10 hộ vay vốn, với dư nợ khoảng 20 triệu đồng, nhưng các hộ chưa nắm được mục tiêu của các chương trình tín dụng ưu đãi, nên tôi dành thời gian cho công tác tuyên truyền nhiều hơn. Thời điểm từ năm 2008 đến nay, số tổ viên tăng, ngân hàng triển khai thêm nhiều chương trình cho vay, dư nợ cũng tăng lên, tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sử dụng vốn, đôn đốc hộ vay trả nợ, thu lãi và thu tiền gửi tiết kiệm đều kịp thời. Mỗi thời điểm đều có những vất vả nhất định, mà đâu chỉ có công việc của tổ, việc hội, việc gia đình… Song, điều khiến tôi làm tốt nhiệm vụ này là tôi luôn có niềm vui, có động lực khi giúp được các tổ viên của mình có cơ hội phát triển kinh tế”. Chị Nguyễn Thị Yêu, thôn Liên Hòa tâm sự: “Năm 2009, tôi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, mua được 22 con lợn về nuôi với đầy niềm tin và hy vọng, vậy mà dịch bệnh làm chết đến 18 con. Gia đình tôi buồn lắm, lo lắng và thật sự không biết bấu víu vào đâu để có vốn làm ăn. May nhờ có chị Điểm là Tổ trưởng động viên, khích lệ, tôi được tiếp thêm niềm tin. Tôi bắt đầu dành thời gian học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật, mua giống tốt nên từ năm 2010, gia đình tôi đã thành công trong chăn nuôi lợn, với mức bình quân mỗi lứa tôi nuôi từ 10 đến 12 con lợn, từ đó gia đình tôi bắt đầu khá lên. Có vốn, gia đình đầu tư vào mô hình sản xuất gạch bê tông. Với tổng thu nhập được khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm, giờ gia đình tôi đã có đời sống ổn định và khá giả hơn trước”.
Với tấm lòng nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm vì sự vươn lên xây dựng đời sống của tổ viên, những năm qua, chị Điểm đã giúp nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng được Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ngày càng có hiệu quả. Hiện nay, tổng dư nợ của tổ là 1.226 triệu đồng, với 43 tổ viên đang sử dụng vốn. Từ sử dụng vốn chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hàng năm tổ có nhiều chị em vượt khó, thoát nghèo, nhiều gia đình xây dựng được mô hình có thu nhập khá ổn định, như mô hình nuôi thỏ và chim bồ câu của hộ gia đình Lường Văn Quyết, mô hình sản xuất gạch bê tông của hộ Đoàn Hồng Hải, mô hình chăn nuôi lợn thịt của hộ Nguyễn Thị Hiếu…
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó giám đốc NHCSXH huyện Cao Lộc cho biết: Gia Cát là một xã còn nhiều khó khăn, lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số, lao động còn theo những tập tục, nên các Tổ trưởng phải rất năng động, nhiệt tình thì mới thực hiện tốt công tác cho vay vốn. Trong 10 năm làm Tổ trưởng, chị Điểm đã hoàn thành tốt công tác quản lý, giám sát vốn vay ưu đãi, giúp các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao đời sống, chấp hành trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn… Nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động của NHCSXH, chị vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều cống hiến cho hoạt động của NHCSXH và công tác giảm nghèo.

Bài và ảnh Lăng Bích

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác