Khi Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo

19/08/2013
(VBSP News) Về xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) hỏi thăm bất kỳ ai về anh Trần Văn Việt - Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo, chúng tôi đều cảm nhận được thái độ trân trọng, tin yêu của người dân dành cho anh.
Công tác giảm nghèo luôn được Chủ tịch Trần Văn Việt sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu từ các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua các buổi họp giao ban

Công tác giảm nghèo luôn được Chủ tịch Trần Văn Việt sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu từ các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua các buổi họp giao ban

Theo chính những hộ dân mới thoát nghèo của xã, anh Trần Văn Việt, có vai trò chính trong việc quản lý, hướng dẫn hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và công cuộc giảm nghèo của xã trong những năm gần đây. Theo anh Việt, nhờ giữ vai trò là Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo xã ngay từ những ngày đầu NHCSXH mới thành lập nên anh luôn có cơ hội bám sát sự hướng dẫn của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và các văn bản hướng dẫn của ngân hàng, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nâng cao chất lượng hoạt động. Theo đó, anh đã tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn như: Phối hợp với cán bộ ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác. Hàng tháng, tổ chức giao ban với Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn để trao đổi kinh nghiệm quản lý, giám sát, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả gốc, lãi đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, duy trì hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy chế, nhờ đó các hội, đoàn thể đều thực hiện nghiêm túc các hoạt động ủy thác cho vay vốn theo đúng quy định. Đặc biệt, trong công tác cho vay vốn, anh đã chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức bình xét công khai dân chủ, cho vay đúng đối tượng, quan tâm cho vay đối với những hộ có tư cách tốt, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi; hộ nghèo chưa được tiếp cận vốn NHCSXH, hộ trả nợ tốt chưa thoát nghèo. Đồng thời, chủ động định hướng cho các hộ dân đầu tư, áp dụng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với mức vốn đầu tư của các hộ vay và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của thị trường. Do đó, nguồn vốn cho hộ nghèo vay phát triển kinh tế của NHCSXH thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh, giúp họ cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, sinh hoạt. Điển hình như hộ chị Phạm Thị Ngát đội 1, hộ chị Trần Thị Thu đội 2, hộ chị Trần Thị Mùi đội 4… Những năm trước kinh tế gia đình rất khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ nguồn vốn ưu đãi các hộ đã phát triển sản xuất chăn nuôi, ổn định kinh tế gia đình và từng bước thoát nghèo. Anh Trần Văn Việt đã chỉ đạo các tổ chức nhận ủy thác áp dụng biện pháp thiết lập mô hình cộng đồng giám sát, quản lý vốn trên tinh thần tương ái, cùng nhau sẻ chia lợi ích từ nguồn vốn lãi suất thấp. Chính vì vậy, tất cả các hộ vay vốn trong xã bên cạnh việc tự giác thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lãi và nguồn vốn vay còn chủ động giám sát các hộ vay lân cận, sẵn sàng góp ý, phê bình, lên án những trường hợp có biểu hiện sử dụng nguồn vốn sai mục đích hoặc chây ỳ, chậm hoàn vốn theo quy định. Bên cạnh đó, anh còn chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn kiên kiên quyết xử lý sai phạm, khen thưởng kịp thời những tổ chức cá nhân có đóng góp cho hoạt động của NHCSXH; tập trung khắc phục 5 chỉ tiêu còn tồn đọng (xử lý nợ xấu, lãi tồn đọng, nợ chưa đổi sổ, nợ bị chiếm dụng và củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn). Đồng thời, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo nợ rủi ro được xử lý kịp thời và đúng quy trình theo hướng dẫn của ngân hàng. Những tổ không nộp lãi anh đề nghị hội, đoàn thể kiểm tra và yêu cầu nộp ngay trong tháng, kể cả hộ nào chưa nộp lãi đề nghị Tổ trưởng đôn đốc nộp lãi, báo cáo tại buổi họp giao ban. Sau khi giao dịch kết thúc, cán bộ tín dụng phối hợp với hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn xuống trực tiếp những hộ khó khăn để xử lý; nếu vẫn không xử lý được, UBND cấp xã mời lên trụ sở làm việc thu hồi nợ trên tinh thần sẵn sàng làm thủ tục khởi kiện để xử lý những hộ chây ỳ. Nhờ đó, tại 18 Tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH của xã đều đạt được các tiêu chí: Cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, người vay hoàn trả lãi, gốc đúng quy định; tỷ lệ thu nợ, thu lãi đạt 100%. Song song với công tác cho vay, anh còn chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác huy động vốn, xây dựng ý thức và thói quen tiết kiệm của người dân. Đến nay, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, toàn xã đã vận động được 80% thành viên vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ với mức huy động bình quân đạt 20 nghìn đồng/tháng/hộ vay. Số tiền này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ khó khăn khác được tiếp cận nguồn vốn.

Từ nguồn vốn của NHCSXH, toàn xã đã có 543 lượt hộ nghèo được vay vốn, 318 hộ thoát nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã khoảng 2%/năm. Giải quyết việc làm cho 543 lao động, 9 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 693 học sinh, sinh viên vay vốn phục vụ học tập; 428 hộ vay vốn để xây mới và cải tạo 402 công trình nước sạch, 398 công trình vệ sinh; xây dựng 16 căn nhà cho hộ nghèo, giải quyết 80% số hộ có nhà ở dột nát; đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn toàn xã.

Chị Huyền - Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: “Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của anh Trần Văn Việt đã tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ với NHCSXH”.

Thanh Xuân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác